(HNM) - Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu (NK) của cả nước 5 tháng qua đạt 43,482 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả bình thường,
Mức nhập siêu nhìn chung vẫn có xu hướng tăng. Ảnh: Chí Lâm
Theo Bộ Công thương, hiện nay giá trị NK từ Châu Á chiếm tới 80% tổng kim ngạch NK, với thị trường chủ yếu lần lượt, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực ASEAN. Điều đáng lo ngại là giá trị NK trên phần lớn do sự NK của cộng đồng DN trong nước tạo ra, trong khi khối DN có vốn nước ngoài vẫn xuất siêu gần 1 tỷ USD. Trên thực tế, NK các loại nguyên liệu, vật tư, nhất là máy móc thiết bị từ Trung Quốc đối với DN Việt Nam đã diễn ra từ lâu, thậm chí đã trở thành một thói quen. Từ một quá trình hàng chục năm, các nhà máy, dây chuyền sản xuất của ta quen sử dụng công nghệ, máy móc và vật tư đầu vào có xuất xứ từ Trung Quốc nên đương nhiên phù hợp với việc tiếp tục dùng nguồn nguyên liệu do nước này sản xuất. Riêng 5 tháng qua, mức nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 5,3 tỷ USD, tiếp tục gây ra sự thâm hụt lớn trong quan hệ thương mại song phương Việt - Trung và được miêu tả là một "điểm yếu cố hữu".
Các chuyên gia nhận định, việc nhập siêu nói trên thể hiện rõ thực tiễn diễn biến của cả quá trình giao thương giữa hai nước, mặc dù đã được lãnh đạo hai nước đề cập tại một số sự kiện kinh tế, thương mại và thống nhất là hai bên sẽ tìm cách khắc phục theo hướng giảm dần giá trị nhập siêu của Việt Nam, từng bước tiến tới cân bằng cán cân thương mại song phương. Tuy nhiên, đến nay mức nhập siêu vẫn có xu hướng tăng theo thời gian và chưa có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do DN Việt muốn tận dụng lợi thế khoảng cách gần về địa lý để vận chuyển hàng hóa một cách dễ dàng, nhanh chóng; nhất là đối với vận chuyển đường bộ, đường sắt và từ đó được lợi về thời gian và chi phí. Tiếp theo, do giá hàng Trung Quốc luôn rẻ hơn hàng của các nước khác nên khi mua về cũng hợp túi tiền giới tiêu dùng trong nước.
Thực tế trên đang cho thấy sự mất cân đối về thị trường NK và cần có sự dịch chuyển từng bước nhưng chắc chắn để nâng cao tỷ trọng NK từ các khu vực khác, nhất là từ Hoa Kỳ, EU nhằm đa dạng hóa nguồn hàng, nhất là tận dụng được thế mạnh về hàm lượng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong từng sản phẩm NK. Phân tích sâu cho thấy, nếu DN ta chuyển dần sang NK máy móc, thiết bị cũng như nguyên, vật liệu từ các nước công nghiệp phát triển nói trên sẽ mang lại một số thuận lợi về lâu dài. Đó là, có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm để từ đó nâng cao một bước đẳng cấp hàng hóa do mình sản xuất - là hình thức phổ biến trong việc quảng bá thương hiệu của mình. Trên thực tế, DN chỉ có thể chinh phục khách hàng bằng chính chất lượng hàng hóa bán ra, nên đây vẫn là gợi ý có tính thuyết phục nhất để đáp ứng mục đích tồn tại lâu dài của mỗi đơn vị.
Bộ Công thương sẽ áp dụng một số biện pháp để giảm thiểu nhập siêu từ Trung Quốc cũng như khu vực Châu Á, thay thế dần bằng việc tăng xuất khẩu và hướng tới NK từ các thị trường khác. Đó là, tranh thủ những thuận lợi sau khi gia nhập WTO và bối cảnh hội nhập khu vực để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy xuất khẩu và thay thế NK. Đây là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Tiếp theo là, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu để tận dụng lợi thế cạnh tranh trong quan hệ thương mại với Trung Quốc theo hướng xác lập lợi thế so sánh, tập trung vào ngành liên quan đến máy móc, linh kiện; phát huy lợi thế so sánh để khai thác khu vực thị trường mở ASEAN - Trung Quốc. Bộ Công thương cũng chủ trương phát huy tối đa hoạt động xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN, nhất là trong các sự kiện tranh chấp thương mại quốc tế; hỗ trợ các DN trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tham gia những sự kiện xuất NK quốc tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.