(HNM) - Sau thời gian tạm nghỉ vì dịch Covid-19, những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, ngành Du lịch đã khởi động trở lại. Tín hiệu đáng mừng là trong những ngày này, nhiều khu, điểm đến du lịch đã mở cửa, tiếp đón hàng nghìn du khách. Điều này cho thấy nhu cầu du lịch, tham quan của người dân là rất lớn và dự báo ngành Du lịch sẽ sớm “vượt bão Covid-19”, bứt phá trong thời gian tới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Du lịch đã nỗ lực “vượt khó” với mục tiêu biến “nguy” thành “cơ”. Thay vì ngồi chờ những chiếc “phao cứu sinh”, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chủ động chuẩn bị nhiều giải pháp để tự “cứu” mình. Vì thế, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các địa phương, doanh nghiệp đã đưa ra các gói kích cầu du lịch nội địa, giới thiệu sản phẩm du lịch mới… kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ phòng, chống dịch để kích thích nhu cầu du lịch của người dân và du khách.
Ngành Du lịch đang “cựa mình” với “đòn bẩy” là hoạt động du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5. Từ bước đệm này, để bứt phá trong thời gian tới, ngành Du lịch cần đúc rút kinh nghiệm từ những giải pháp vượt khó hữu hiệu thời gian qua, chủ động tìm cơ hội cho chính mình để trụ vững trước khó khăn, cũng như hướng tới chiến lược lâu dài thông qua đẩy mạnh tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển thị trường tiềm năng mới... Trong đó quan trọng nhất là phải xây dựng được hình ảnh của ngành Du lịch luôn bảo vệ khách du lịch trước ảnh hưởng của dịch bệnh; tạo được các điểm đến an toàn để du khách yên tâm, tin tưởng. Bởi thực tế, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở nước ta nhưng người dân vẫn còn tâm lý e dè, chưa mạnh dạn đặt tour hoặc tìm đến các điểm du lịch.
Muốn vậy, bên cạnh tập trung vào việc kích cầu thị trường du lịch nội địa, ngành Du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch có quy mô, đầu tư về nội dung và chiều sâu; truyền tải nội dung, thông điệp khẳng định nước ta đã kiểm soát được dịch Covid-19, giới thiệu các điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh để duy trì sự tin tưởng của khách du lịch. Để thực hiện việc này hiệu quả, phát triển du lịch vẫn phải gắn liền với phòng, chống dịch. Một mặt đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch, mặt khác tập trung thực hiện hiệu quả các công tác phòng, chống dịch.
Đối với doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, bên cạnh việc khuyến mãi, đầu tư thêm sản phẩm du lịch mới, cần chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng của nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp. Đặc biệt là thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn khi du lịch để tạo niềm tin cho khách. Muốn vậy, cần thực hiện nghiêm hai văn bản của Tổng cục Du lịch, đó là: Quyết định 473/QĐ-TCDL (ngày 29-4-2020) ban hành Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch và Quyết định 474/QĐ-TCDL (ngày 1-5-2020) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hướng dẫn trên. Trước mắt, cần thực hiện nghiêm các tiêu chí an toàn với dịch Covid-19 như: Bảo đảm phục vụ nguồn khách an toàn, chỉ đưa khách đến điểm du lịch an toàn, cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh ở điểm đến để du khách biết và cân nhắc lựa chọn…
Chuẩn bị kỹ lưỡng và bắt tay thực hiện ngay các giải pháp để phục hồi, phát triển, đặc biệt là bảo đảm các điểm đến an toàn, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho du khách… là điều thấy rõ ở ngành Du lịch những ngày qua. Việc luôn sẵn sàng bảo đảm môi trường du lịch an toàn trước dịch bệnh sẽ giúp ngành "công nghiệp không khói" sớm bứt phá, lấy lại vị thế ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.