Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm bịt những lỗ hổng thương mại điện tử

Thanh Hiền| 27/03/2018 06:49

(HNM) - Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh ở nước ta, thu hút từ những “ông lớn” quốc tế như Alibaba, Amazon... đến hàng triệu cá nhân kinh doanh nhỏ tham gia...


Những hạn chế, bất cập trong kinh doanh thương mại điện tử cần phải sớm được khắc phục (Ảnh có tính minh họa).Ảnh: Ngọc Thạch


Khó kiểm soát

Ngoài mức lương cố định hơn 8 triệu đồng/tháng tại nơi làm việc chính, chị Nguyễn Hoàng Oanh (23 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm) còn có thêm khoản thu nhập kha khá nhờ bán hàng online. “Cách đây 2-3 năm, tôi lặn lội sang tận Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm nguồn hàng. Đến nay cũng đã có nhiều kinh nghiệm và quan hệ tốt với các đầu mối lớn, bảo đảm chất lượng. Ngoài khách lẻ, tôi còn đổ buôn cho nhiều đầu mối bán hàng online là các bà nội trợ tranh thủ kinh doanh. Thu nhập của các bà nội trợ cũng rất khá, trung bình 10-20 triệu đồng/tháng” - chị Oanh cho biết.

Hình thức bán hàng online có ưu điểm là người mua chỉ cần “lướt” mạng với vài cú nhấp chuột là có được sản phẩm mong muốn, nên thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Tuy vậy, trái ngược với điều này là nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng như quảng cáo. Không khó để nhận thấy trên một số trang bán hàng online rao bán nhiều sản phẩm với giá rẻ đến bất ngờ. Điển hình như trên trang Vatgia online, đồng hồ Rolex E10 có giá 599.000 đồng; đồng hồ nhãn hiệu Armani, Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 5.259 website thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động. 37% doanh nghiệp đã có website phiên bản di động, 27% doanh nghiệp đã có ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng di động. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử trên môi trường mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức với cơ quan quản lý. Các chủ thể hoạt động thương mại điện tử dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ trong trường hợp vi phạm...

Bên cạnh khó khăn trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, thì tình trạng gian lận thuế là một trong những vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng. Ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận Bán lẻ, Công ty TNHH Savills Việt Nam cho rằng, do "nhà nhà bán hàng, người người bán hàng” trên mạng nên dù quy mô nhỏ lẻ nhưng số lượng hàng hóa giao dịch rất lớn. Đáng nói hơn, những chính sách thuế vẫn chưa tác động đến đối tượng này. Chưa kể, trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mua sắm, bán lẻ, du lịch trực tuyến, quảng cáo trực tuyến còn tạo cơ hội cho dòng tiền “chảy” ra nước ngoài. Tại Việt Nam, những năm gần đây, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng, số tiền nộp ngân sách lại không đáng kể. Qua công tác thanh tra, cơ quan thuế đã phát hiện và truy thu hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp này.

Cần hoàn thiện quy định pháp luật về thuế

Bán hàng qua mạng ngày càng phát triển, đòi hỏi có chính sách thu thuế phù hợp.


Tình trạng doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử trốn thuế đã và đang khiến các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển “đau đầu”. Tại Singapore, ước tính mỗi năm thất thu thuế kinh doanh trên mạng khoảng 5 tỷ đô la Singapore (tương đương khoảng 3,67 tỷ USD). Vì vậy, Chính phủ nước này đang hướng tới thực hiện áp thuế vào thị trường thương mại điện tử một cách chặt chẽ. Ở Việt Nam, từ cuối tháng 6-2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã gửi tin nhắn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có hoạt động quảng cáo, bán hàng trên mạng để hướng dẫn việc kê khai thuế. Trường hợp là công dân Việt Nam (cư trú tại Việt Nam) có hoạt động kinh doanh và doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) phải có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước.

Để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, gian lận thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang giúp đỡ, hỗ trợ, đào tạo nhân lực cho ngành Thuế Việt Nam. Đặc biệt, công tác chống gian lận thuế trong thương mại điện tử đã đạt hiệu quả nhất định kể từ khi Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước ban hành hướng dẫn về sàn giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ cổng thanh toán, quy định quản lý tên miền…

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), để có thể đấu tranh chống lại gian lận thuế trong thương mại điện tử, rất cần đội ngũ nhân lực không chỉ thực sự am hiểu lĩnh vực thuế, kế toán, ngoại ngữ, mà còn có những kiến thức nhất định về công nghệ thông tin. Trong quá trình thanh tra, phải có sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan chức năng mới có thể xác định luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch… Ngoài ra, để tăng cường kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, bảo đảm bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các phương thức kinh doanh, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành để phù hợp với sự phát triển, cũng như tình hình thực tế hoạt động của các tổ chức, cá nhân; đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng khoảng 25%/năm và trong 4 năm tới, quy mô thị trường này được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Bên cạnh doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài đang tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn, trang thương mại điện tử trong nước, khiến cho thị trường này ngày càng sôi động.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm bịt những lỗ hổng thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.