Xã hội

Sẽ kiểm tra công vụ các đơn vị để xảy ra vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Tiến Thành 09/08/2023 12:25

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, kiểm tra dấu hiệu vi phạm với các đơn vị đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra vi phạm phòng cháy, chữa cháy.

Sáng 9-8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm của UBND thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2023.

Thiếu tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính UBND thành phố Hà Nội đến điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

img_2020.jpg
Đại tá Phạm Trung Hiếu báo cáo tại hội nghị.

Kéo giảm 581 công trình chưa được nghiệm thu đã đưa vào hoạt động

Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, tính đến ngày 21-7-2023, trên địa bàn thành phố có 1.736.768 nhà ở hộ gia đình, trong đó có 1.628.344 hộ gia đình chỉ để ở; 108.422 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay có 102.034/108.422 (đạt 94,1%) hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đã mở lối thoát nạn thứ 2...

Tính đến ngày 5-8-2023, thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động 7.223 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 18.201 điểm chữa cháy công cộng. Công an các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia trên địa bàn 579 phường, xã, thị trấn. Phấn đấu hết quý III-2023, 100% Tổ liên gia được thực tập phương án chữa cháy.

Về triển khai kế hoạch xử lý các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với 7.467 lượt cơ sở; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 821 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 43 tỷ đồng; đề xuất, ban hành quyết định đình chỉ hoạt động 848 trường hợp. Từ khi triển khai kế hoạch đến nay, đã kéo giảm 581 công trình (chiếm 20,3% tổng số công trình).

Đại tá Phạm Trung Hiếu cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát kỹ lại các công trình vi phạm trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở này cam kết tiến độ khắc phục; xem xét trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện không hiệu quả. Bên cạnh đó, Công an thành phố sẽ triển khai quyết liệt việc xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, trưởng công an cấp huyện trong việc triển khai thực hiện không hiệu quả kế hoạch. Đồng thời tiếp tục tham mưu UBND thành phố báo cáo, đề xuất Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ sớm xem xét, thống nhất đưa ra các giải pháp biện pháp, bổ sung để tăng cường an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình vi phạm khó có khả năng khắc phục.

img_2045.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Bảo đảm các mô hình thực chất và phát huy hiệu quả

Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả đã đạt được trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua của thành phố Hà Nội, Thiếu tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nhận định, đây mới là kết quả bước đầu, thành phố vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nghiêm trọng về cháy, nổ. Trong đó, số lượng công trình vi phạm đã đưa vào sử dụng, vi phạm tồn tại trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực còn rất lớn, chiếm khoảng 40% cả nước; công tác phối hợp giữa các đơn vị còn chưa chặt chẽ; chất lượng các mô hình phòng cháy, chữa cháy chưa thực chất và phát huy hiệu quả...

Nhấn mạnh an ninh con người phải là trung tâm, chủ thể trong mọi hoạt động về an ninh, trật tự, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long đề nghị thành phố quan tâm bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân trang bị các thiết bị, tập huấn các kỹ năng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy...

img_2082.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết thành phố tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công an để khẩn trương kịp thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng triển khai các kế hoạch theo các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại hội nghị.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị khắc phục tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an, cho chính quyền, lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy bởi đây là nguyên nhân chủ quan của tồn tại, hạn chế. Đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị Công an thành phố tham mưu, kết hợp Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, kiểm tra dấu hiệu vi phạm với các đơn vị đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn để xảy ra vi phạm phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thị xã rà soát các Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình, bố trí trang thiết bị đầy đủ, vận hành thực sự thực chất, tránh hình thức.

img_1993.jpg
Thượng tá Ngô Thanh Lâm báo cáo việc rút kinh nghiệm toàn diện 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cần có quy định lắp đặt hệ thống báo cháy tự động đối với nhà ở riêng lẻ

Tại hội nghị, Công an thành phố Hà Nội cũng tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện 3 vụ cháy nhà ở hộ gia đình, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn thành phố thời gian qua. Các vụ cháy gồm: Vụ cháy ngày 13-5 tại phố Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Đông) khiến 4 người tử vong; vụ cháy vào ngày 8-7 tại số nhà 12 ngõ Thổ Quan (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) khiến 3 người tử vong; vụ cháy ngày 19-7 tại nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện Ánh Dương (thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) khiến 3 người tử vong.

Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, nguyên nhân của cả 3 vụ cháy là do chập điện. Đánh giá về các vụ cháy, Thượng tá Ngô Thanh Lâm cho biết, nhà xảy ra cháy có dạng nhà ống, đều tồn trữ nhiều chất dễ cháy; thời điểm xảy ra cháy là nửa đêm về sáng, người bị nạn đang ngủ nên không phát hiện cháy ban đầu; các nhà ở đều có lối thoát nạn thứ 2 nhưng phát hiện cháy chưa kịp thời nên lửa, khói, khí độc lan nhanh, các biện pháp thoát nạn gần như không thể thực hiện được...

Qua 3 vụ cháy trên, đề xuất liên quan đến giải pháp phòng ngừa, Thượng Tá Ngô Thanh Lâm cho rằng, về lâu dài cần có quy định lắp đặt hệ thống báo cháy tự động đối với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ bởi thực tế trong 3 vụ cháy nêu trên, phòng ngủ đều có thể mở lối thoát nạn khẩn cấp…

Thiếu tướng - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, hệ thống báo cháy tại nhà ở đang dần phổ biến trong thời điểm gần đây; việc lắp đặt khá đơn giản, dễ dàng sử dụng, giá cả phù hợp với người dân; do đó Công an thành phố cần tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt hệ thống tại nhà ở để bảo đảm an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ kiểm tra công vụ các đơn vị để xảy ra vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.