Những bức ảnh mới về môi trường nước ô nhiễm trầm trọng của Rio, cùng kết quả của một nghiên cứu được công bố cách đây hơn một năm đã một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại cho các vận động viên tham dự Olympic tại Brazil.
Nước ở Rio ô nhiễm trầm trọng. (Nguồn: AP) |
Kết quả ban đầu của nghiên cứu nói trên cho thấy mức độ virus có trong nước gấp tới 1,7 triệu lần mức độ cảnh báo ở Mỹ hay châu Âu.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng trong thời gian thử nghiệm kéo dài 16 tháng, người ta đã phát hiện ra các loại adenovirus truyền nhiễm tại gần 90% địa điểm được kiểm tra.
Ở mức độ này, vận động viên các môn dưới nước chỉ cần uống phải 3 thìa nước ở Rio là gần như chắc chắn sẽ bị nhiễm các loại virus gây nên các bệnh về dạ dày và đường tiêu hóa, thậm chí trong các trường hợp hiếm còn có thể là viêm tim hay viêm da - tuy nhiên việc họ có đổ bệnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như hệ miễn dịch.
Không chỉ vậy, nguy hiểm còn rình rập trong cát. Các mẫu cát lấy từ bờ biển Copacabana và Ipanema cho thấy mức độ virus cao. Tình trạng này có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
"Cả hai [nơi] đều có mức adenovirus truyền nhiễm khá cao," bác sỹ Valerie Harwood, Chủ tịch Phòng Sinh học Tích hợp tại ĐH Nam Florida cho biết.
Những điểm bị ô nhiễm nặng nề nhất phải kể tới hồ Rodrigo de Freitas, nơi môn thi chèo thuyền tại Thế vận hội sẽ được tổ chức, và Gloria Marina, điểm xuất phát cho môn đua thuyền. Vào tháng 3/2015, kiểm tra mẫu cho thấy nước trong hồ sở hữu tới 1,73 tỷ adenovirus mỗi lít - một con số đáng ngạc nhiên.
Tháng 6 vừa qua, con số này đã thấp hơn, nhưng vẫn có xu hướng tăng nhẹ ở mức 248 triệu adenovirus mỗi lít. Trong khi đó, tại California, Mỹ, số liệu ở mức một phần vài nghìn mỗi lít đã được coi là đủ để đưa ra cảnh báo.
Kể từ khi kết quả ban đầu của nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm ngoái, các vận động viên đã bắt đầu chuẩn bị rất kỹ càng để tránh mắc bệnh cản trở quá trình thi đấu tại Thế vận hội, chẳng hạn như uống thuốc kháng sinh để phòng bệnh, tẩy sạch mái chèo và mặc đồ bơi và đeo găng tay plastic để hạn chế tiếp xúc với nước.
Tuy nhiên, thuốc kháng sinh chỉ có thể chống lại vi khuẩn chứ không thể kháng virus.
Các vận động viên thì chuẩn bị kỹ lưỡng, vậy còn 300.000-500.000 khách du lịch nước ngoài tới Rio xem Thế vận hội thì sao?
Sau khi những kết quả này được công bố, Harwood đã đưa ra một lời khuyên đối với khách du lịch tới Rio: 'Đừng nhúng đầu xuống nước."
Các vận động viên bơi không thể áp dụng lời khuyên này, nhiều khả năng sẽ hít phải nước qua miệng và mũi, từ đó tăng nguy cơ "mắc bệnh nặng."
Bác sỹ Fernando Spilki, nhà virus học và là người điều phối phòng thí nghiệm vi sinh học phân tử, người mà AP đã thuê để thực hiện thử nghiệm với nước, cho biết kết quả điều tra cho thấy rằng chưa có sự tiến bộ đáng kể nào, mặc dù những lời hứa hẹn đã được thốt ra từ cách đây nhiều thập kỷ.
Thật không may, trong suốt quãng thời gian vừa qua, những gì chúng ta thấy là có biến động trong mức độ ô nhiễm, song nhiều khả năng nguyên nhân chính là do thay đổi về thời tiết chứ không phải từ những nỗ lực đã được thực hiện nhằm loại bỏ chất ô nhiễm," bác sỹ Spilki, một trong số những nhà virus học có tiếng tăm nhất ở Brazil, cho biết.
Tuy vậy, các quan chức Thế vận hội vẫn tiếp tục đảm bảo rằng hệ thống sông ngòi kênh vịnh của Rio sẽ là an toàn đối với cả vận động viên và du khách. Ủy ban tổ chức địa phương hiện vẫn chưa trả lời lại yêu cầu bình luận, trong bối cảnh các bài kiểm tra vi khuẩn được chính quyền Rio thực hiện đã cho thấy lượng nước ở đây không vượt quá giới hạn cho phép của bang.
Trên toàn thế giới, kiểm tra vi khuẩn vẫn là phương pháp được ưa chuộng, bởi cách này dồi dào và dễ thực hiện hơn.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà khoa học đồng tình rằng cách kiểm tra này không phù hợp với mọi khí hậu, bởi vi khuẩn nhanh chóng bị tiêu diệt trong thời tiết nhiệt đới và nước biển mặn. Ngược lại, các loại virus lại có khả năng sống sót hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm. Điều này có nghĩa là tại Rio, mức độ vi khuẩn thấp không liên quan gì tới mức độ virus thấp./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.