Cải cách hành chính

"Sở Nội vụ xác định tâm thế nêu gương trong cải cách hành chính"

Hiền Chi thực hiện Ảnh: Thanh Tùng 24/02/2024 - 07:43

Liên tiếp 3 năm gần đây, Sở Nội vụ duy trì ở top đầu và luôn có sự cải thiện về thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính. Từ vị trí thứ 3 (năm 2021) lên vị trí thứ 2 (năm 2022) và năm 2023 trở thành đơn vị dẫn đầu khối sở, cơ quan tương đương sở.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường về thành công này.

z5186267439847_7f26e3e3efbb73600f4017a50f586af7.jpg
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường.

- Đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm về các cách làm của Sở để đạt được thành quả rất ấn tượng như vậy?

- Để đạt được những thành công, sự tiến bộ không ngừng trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của Sở, có sự tổng hợp của nhiều yếu tố.

Thứ nhất, với vai trò đồng thời là cơ quan thường trực tham mưu UBND thành phố về công tác CCHC, tập thể lãnh đạo Sở Nội vụ luôn xác định tâm thế phải thực hiện tốt vai trò nêu gương trong CCHC; muốn các sở ngành, quận, huyện làm tốt CCHC thì Sở Nội vụ trước tiên phải làm tốt nội dung này.

Thứ hai, các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC đã được chỉ ra tại năm trước trên cơ sở kết quả công bố của thành phố, Sở Nội vụ đều nhanh chóng chỉ đạo phân tích nội dung, lý do, nguyên nhân; từ đó, giao trách nhiệm cụ thể về chủ thể thực hiện, chủ thể phối hợp, thời gian hoàn thành, quy trình kiểm đếm giám sát kết quả gắn với thi đua khen thưởng hằng tháng và năm. Nhờ vậy, từng trục nội dung hạn chế của năm cũ đều được cải thiện hơn ở năm tiếp theo.

Đơn cử, theo Sách báo cáo phân tích, các trục nội dung của Sở Nội vụ năm 2022 chưa được đánh giá cao, năm 2023 tiếp tục được cải thiện rõ rệt, như: Lĩnh vực 6 - Cải cách tài chính công tăng 9,49%; Lĩnh vực 7 - Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 4,61%....

Thứ ba, các vấn đề còn hạn chế được phát hiện khi Đoàn Kiểm tra CCHC thành phố thực thi nhiệm vụ đều được Sở Nội vụ kiểm tra, soi chiếu lại ngay chính tại thực tế hoạt động của Sở, bên cạnh việc tham mưu văn bản chỉ đạo toàn thể các cơ quan, đơn vị trong thành phố lưu ý khắc phục; do vậy, công tác CCHC của Sở luôn được hoàn thiện trong quá trình thực hiện.

Thứ tư, trong năm 2023, Sở Nội vụ đã thực hiện triệt để công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ trong Sở trên cơ sở tuân thủ đúng quy định; cách làm bài bản tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức của cán bộ, công chức thuộc Sở, bộ máy sau sắp xếp nhanh chóng ổn định, triển khai công việc hiệu quả, không gián đoạn. Cụ thể như: Sở đã giải thể Chi cục Văn thư - Lưu trữ, thành lập phòng Văn thư lưu trữ; tổ chức lại Trung tâm lưu trữ lịch sử thành phố từ thuộc Chi cục Văn thư - Lưu trữ thành thuộc Sở Nội vụ; điều chỉnh lại tên 4 phòng thuộc Sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; chuyển đổi vị trí công tác đối với 11 vị trí lãnh đạo cấp trưởng, phó trưởng phòng thuộc Sở.

-

z5186077693816_696b77c7320870b9306c8cfcfd37324c(1).jpg
Sở Nội vụ Hà Nội quan tâm thực thực hiện tốt quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Năm 2023 cũng là năm đầu tiên triển khai đánh giá theo bộ Chỉ số CCHC mới giai đoạn 2023-2030, thay thế bộ Chỉ số CCHC giai đoạn 2021-2025. Từ thực tế triển khai, đồng chí nhận xét gì về bộ chỉ số mới?

- Từ thực tế triển khai thực hiện, có thể thấy, bộ chỉ số mới có nhiều ưu điểm. Đó là, Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC giai đoạn 2023 – 2030 có nhiều đổi mới, sát thực tiễn hơn. Giảm từ 161 xuống 117 tiêu chí (giảm 44 tiêu chí, tỷ lệ giảm 27,3%) đối với cấp sở và từ 164 xuống 102 tiêu chí (giảm 62 tiêu chí, tỷ lệ giảm 37,8%); trong đó, đã giảm và lược bỏ các tiêu chí, tiêu chí thành phần mang tính chất tuân thủ, thay bằng các tiêu chí, tiêu chí thành phần có tính định lượng cao, đánh giá kết quả đầu ra. Bộ chỉ số cũng đã đưa vào đánh giá các nội dung mang tính đặc thù, các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và gắn với kết quả phát triển kinh tế xã hội của năm đánh giá tại mỗi địa phương, đơn vị.

Công tác điều tra xã hội học được triển khai theo hướng sát thực, đánh giá đa chiều. Chủ thể điều tra xã hội học có cải tiến, cụ thể hóa theo hướng đánh giá khách quan, chính xác hơn như: Giám đốc sở đánh giá kết quả CCHC của UBND quận, huyện, thị xã; chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đánh giá kết quả CCHC của các sở trên cơ sở kết quả của quá trình phối hợp công tác, theo dõi thực hiện; đại biểu HĐND thành phố đánh giá đồng bộ kết quả CCHC của cấp sở và cấp huyện. Với kết quả điều tra xã hội học này, các cơ quan, đơn vị có thể phân tích, đánh giá và có giải pháp hoàn thiện sát thực tiễn yêu cầu của thành phố hơn.

Đặc biệt, quy trình, thời gian xác định chỉ số CCHC được triển khai sớm hơn so với những năm trước; kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2023 được gắn với công tác thi đua - khen thưởng của cùng năm đánh giá. Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị có thể chủ động xây dựng phương án khắc phục các tồn tại, hạn chế, xây dựng Kế hoạch CCHC ngay từ đầu năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Bộ Chỉ số CCHC vẫn còn một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và chỉ đạo mới của Trung ương. Ví dụ như, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần có thể điều chỉnh chấm theo phần trăm thực hiện thay vì chấm theo thang điểm để đo lường sát với kết quả nỗ lực phấn đấu của các cơ quan, đơn vị. Hệ thống phần mềm đánh giá, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, quy trình đánh giá, hình thức đánh giá còn một số bất cập, cần điều chỉnh cho sát thực tiễn...

- Công tác CCHC năm 2024 của Sở Nội vụ tập trung vào những nội dung trọng tâm gì và Sở Nội vụ sẽ triển khai những giải pháp nào để tiếp tục duy trì thứ hạng cao, thưa đồng chí?

- Để tiếp tục duy trì kết quả đạt được trong công tác CCHC, năm 2024, Sở Nội vụ tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố đã được phê duyệt, đảm bảo đạt mục tiêu đổi mới, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Nội vụ; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc thành phố...

Sở Nội vụ sẽ tập trung vào các giải pháp: Thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc nội bộ; quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao chất lượng phục vụ công dân, tổ chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc chuyên môn. Duy trì chế độ giao ban hằng tháng; tăng cường công tác kiểm soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng công tác của tập thể, cá nhân. Khen thưởng, động viên kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác và xử lý trách nhiệm, hạ mức xếp loại thi đua đối với các tập thể, cá nhân có chất lượng công tác thấp, không hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng thời, Sở tăng cường công tác kiểm tra công vụ nội bộ, tập trung các nội dung thực hiện quy chế, quy trình làm việc, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch công tác, theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở. Các đồng chí trong Ban Giám đốc sở, trưởng, phó các phòng, đơn vị thuộc sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hiện nhiệm vụ được phân công theo lĩnh vực phụ trách; kịp thời định hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

z5186183472612_b6b2abd9e37a89a7b8153a3160385c90.jpg
Công dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" của Sở Nội vụ Hà Nội
được đón tiếp chu đáo.

- Sở Nội vụ là cơ quan thường trực về CCHC, đồng chí có thông điệp gì gửi tới các đơn vị thuộc diện đươcj chấm điểm Chỉ số CCHC trên địa bàn thành phố Hà Nội?

- Để công tác CCHC ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, với vai trò là cơ quan thường trực công tác CCHC của thành phố, Sở Nội vụ đề nghị: Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; quyết tâm vào cuộc và trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Kinh nghiệm cho thấy, sở nào, quận, huyện nào cấp trưởng quyết liệt chỉ đạo, sở, địa phương đó đều có những chuyển biến tích cực về chỉ số, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn được hưởng nhiều lợi ích hơn do CCHC mang lại.

Sở Nội vụ sẽ luôn chủ động, phối hợp với các sở chuyên ngành được giao nhiệm vụ, thường xuyên rà soát Khung CCHC và công tác đánh giá CCHC để đổi mới, phù hợp với thực tiễn, phản ánh ngày càng sát hơn với nỗ lực của các cơ quan, đơn vị.

Trên cơ sở kết quả chỉ số CCHC năm 2023, các sở và UBND cấp huyện sớm tổ chức hội nghị rà soát, phân tích và đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai nhiệm vụ CCHC năm 2023 theo từng lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần. Xác định rõ những tồn tại, hạn chế, ban hành các biện pháp khắc phục. Năm 2024 cần tập trung, chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị; bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong kế hoạch năm; thường xuyên theo dõi, đánh giá, quán triệt việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ CCHC; chủ động nghiên cứu, thí điểm hoặc nhân rộng các mô hình cải cách mới có hiệu quả, phù hợp với phạm vi, thẩm quyền được giao và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về CCHC. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận xã hội để thực hiện công tác CCHC tại sở, cơ quan tương đương sở và quận, huyện, thị xã. Đồng thời, gắn hiệu quả triển khai nhiệm vụ CCHC với đánh giá khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, từ đó làm cơ sở để bố trí cán bộ cho phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Sở Nội vụ xác định tâm thế nêu gương trong cải cách hành chính"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.