Một hộp sọ cổ xưa tại Lào cho thấy loài người đã di cư tới Đông Nam Á sớm hơn ít nhất 20.000 năm so với tính toán của giới khoa học.
Laura Shackelford, nhà nhân chủng của Đại học Illinois tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp phát hiện hộp sọ hóa thạch ở độ sâu hơn 2m trong một hang thuộc dãy núi Annamite ở phía bắc Lào vào năm 2009. Từ năm 2009 tới nay nhóm nghiên cứu áp dụng nhiều phương pháp để xác định tuổi của hộp sọ. Kết quả phân tích cho thấy niên đại của nó từ 46.000 tới 63.000 năm. Với niên đại như thế, nó là hóa thạch người cổ xưa nhất mà giới khoa học từng phát hiện tại khu vực Đông Nam Á, AFP đưa tin.
Những mảnh hóa thạch của hộp sọ mà các nhà khoa học phát hiện tại dãy núi Annamite ở phía bắc Lào. Ảnh: AFP. |
Phát hiện cũng cho thấy người tiền sử không hề di chuyển dọc theo bờ biển châu Á trong quá trình di cư từ châu Phi tới Australia - một giả thuyết được nhiều nhà nhân chủng ủng hộ. Thay vào đó, tổ tiên của người Đông Nam Á đã vượt qua những địa hình hiểm trở để tiến vào đất liền.
“Hóa thạch này cho thấy quá trình di cư từ châu Phi tới Đông Á và Đông Nam Á của loài người diễn ra với tốc độ tương đối nhanh. Ngay sau khi tới Đông Nam Á, tổ tiên của chúng ta tiếp tục khám phá những môi trường xa lạ so với môi trường mà họ từng thấy ở châu Phi”, Shackelford phát biểu.
Các nhà nhân chủng từng phát hiện di cốt người có niên đại tương đương tại Trung Quốc và một số nơi khác ở Đông Nam Á, song không di cốt nào có những đặc điểm rõ ràng về người hiện đại như hộp sọ tại Lào.
"Với tuổi và vị trí của hóa thạch, chúng tôi dự đoán nó thuộc về tổ tiên trực tiếp của những người đầu tiên di cư tới Australia", Shackelford nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.