Theo dõi Báo Hànộimới trên

Số người di cư nội địa năm 2020 tăng mạnh

Thương Nguyệt| 20/05/2021 15:06

(HNMO) - Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa do tác động của thiên tai và xung đột bạo lực tăng mạnh vào năm 2020, trong bối cảnh số người di cư nội địa trên toàn thế giới đạt mức kỷ lục.

Người dân tại bang Khartoum (Sudan) rời bỏ nơi ở do tác động của lũ lụt. Ảnh: Anadolu Angency

Theo The Guardian ngày 20-5, dữ liệu do Trung tâm Giám sát hoạt động di cư nội địa (IDMC) thuộc Hội đồng người tị nạn Na Uy cho thấy, tính đến cuối năm 2020, đã có ít nhất 55 triệu người di cư nội địa tính trên phạm vi toàn cầu.

Con số này đã tăng mạnh so với mức 50,8 triệu người được ghi nhận cuối năm 2019, trong đó có 45,7 triệu người buộc phải di cư do tình trạng xung đột tại 61 quốc gia và 5,1 triệu trường hợp tương tự tại 96 quốc gia do ảnh hưởng của thiên tai.

Trong năm 2020, tình trạng xung đột và bạo lực đã tác động đến 48 triệu người, trong khi số người di cư do ảnh hưởng của thiên tai là 7 triệu trường hợp. Tuy nhiên, IDMC nhận định, những con số này nhiều khả năng không phản ánh đúng thực tế do dữ liệu không đầy đủ.

Khoảng 20 triệu người di cư nội địa thuộc nhóm trẻ em dưới 15 tuổi, trong khi số người trên 65 tuổi là 2,6 triệu. Đây hầu hết là những trường hợp sinh sống tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Các quốc gia có tỷ lệ di cư nội địa do thiên tai cao nhất là Afghanistan (1,1 triệu người), Ấn Độ (929.000 người) và Pakistan (806.000 người). Các quốc gia có số người phải di cư nội địa do xung đột và bạo lực cao nhất là Syria (6,6 triệu người), Congo (5,3 triệu người) và Colombia (4,9 triệu người).

Trong số hơn 40 triệu người di cư nội địa mới vào năm 2020 - con số hằng năm cao nhất trong 10 năm - 30 triệu trường hợp liên quan đến thiên tai như lũ lụt, bão và cháy rừng.

Đông Á và Thái Bình Dương là những khu vực ghi nhận 30,3% lượng người di cư nội địa mới vào năm 2020. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai là châu Phi cận Sahara, với tỷ lệ 27,4%.

Giám đốc IDMC Alexandra Bilak nhận định, điều đáng lo ngại là những con số này được ghi nhận trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra những hạn chế về di chuyển, dẫn đến tình trạng cản trở việc thu thập dữ liệu và làm giảm số người tìm đến các nơi trú ẩn khẩn cấp do lo ngại lây nhiễm. 

Cũng theo ông Alexandra Bilak, tình trạng khủng hoảng di cư hiện nay phát sinh từ nhiều yếu tố liên kết với nhau, bao gồm biến đổi khí hậu và môi trường, xung đột kéo dài và bất ổn chính trị.

Trong khi đó, Tổng Thư ký của Hội đồng người tị nạn Na Uy Jan Egeland cho biết, thế giới đang thất bại trong nỗ lực bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi xung đột và thảm họa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Số người di cư nội địa năm 2020 tăng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.