(HNM) - Sau chuyến đi du lịch hè cùng cơ quan chồng, chị Linh không còn muốn sinh thêm con nữa. Chị hoàn toàn bị thuyết phục trước những lời lẽ phân tích của nhiều đồng nghiệp cơ quan chồng, họ đều chỉ sinh một cô con gái. Qua tiếp xúc với họ, chị đã hiểu vì sao bấy lâu nay chồng chị không muốn sinh thêm con dù ở quê anh được
Xu hướng sinh một con ở các gia đình thành phố hiện nay ngày càng tăng. Ảnh: Bảo Lâm |
Từ chuyện cơm áo, nhà cửa
So với đồng nghiệp, cuộc sống của vợ chồng chị Linh còn rất khó khăn, không có nhà ở Hà Nội nên vừa phải trả tiền thuê nhà vừa phải lo tích góp để mua được một chỗ "an cư". Lấy nhau 7 năm, vợ chồng chị mới có một cô con gái 6 tuổi, nhưng với tổng thu nhập gần 10 triệu/tháng, vẫn phải thật tiết kiệm mới đủ chi tiêu. Dù rất muốn sinh thêm con cho có chị có em, nhất là sinh một cậu con trai để ông bà nội thêm vui nhưng cuộc sống còn nhiều vất vả, chị Linh "đành" nghe chồng nuôi con một để còn phấn đấu mua nhà.
Không bị thuyết phục như chị Linh, vợ anh Tuấn vẫn một mực giữ quan điểm khi nào có điều kiện sẽ sinh thêm con để hoàn thành "trách nhiệm" làm dâu. Anh Tuấn đã thuyết phục vợ và bố mẹ bằng cách nhắc lại những khó khăn mà anh chị đã trải qua, đặc biệt khi vợ anh sinh cô con gái đầu lòng đã suýt mất mạng vì sinh non, con khó nuôi khiến anh chị trở thành "khách" thân thiết bất đắc dĩ của bệnh viện. Hơn nữa, với đồng lương eo hẹp của một công chức, một công nhân may, anh chị không ít lần phải vay tiền đồng nghiệp để trả viện phí cho con. Không chỉ nỗi lo cơm, áo mà rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đang lao động ở thành phố còn gánh thêm nỗi lo lớn hơn là kiếm chỗ "chui ra, chui vào". Vì vậy, dù rất mong có hai con nhưng nhiều gia đình cũng đành phải… "nhịn".
Nhiều người cho rằng đứa trẻ là con độc nhất, được nuông chiều sẽ sinh hư hay ích kỷ. Tuy nhiên, nhiều gia đình sinh một con có cách nghĩ khác. Vợ chồng anh Hà ở Khu đô thị Xa La (Hà Đông) có thu nhập cao, nhà đẹp, xe hơi nhưng vẫn không sinh thêm con, dù cậu con trai đã hơn 7 tuổi. Anh cho rằng, ngoài việc lo toan đầy đủ điều kiện vật chất cho gia đình, anh chị còn muốn phát triển công việc tốt hơn và có thời gian tận hưởng cuộc sống. Thay vì sinh thêm con, cứ chăm sóc tốt cho một đứa thôi cũng toại nguyện. Theo kết quả khảo sát mới đây nhất của ngành dân số (DS), số gia đình chỉ sinh một con ngày càng tăng, chủ yếu là ở các thành phố. Điều này được lý giải bởi sức ép công việc ngày một cao, nhất là với phụ nữ, chưa kể việc nuôi dạy con ngày càng phức tạp với nhiều đòi hỏi cao hơn.
Kết quả từ cuộc Tổng điều tra DS năm 2009 cho thấy, tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở nhiều thành phố khá thấp. Trong khi tỷ suất sinh toàn quốc là 2,03 con/phụ nữ thì thành thị là 1,8 con/phụ nữ và nông thôn là 2,15 con/phụ nữ. Cá biệt, ở TP Hồ Chí Minh, có thời điểm, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 1,45 con. Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, xu hướng sinh một con đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới do xã hội càng phát triển, các chế độ an sinh tốt hơn, sự ràng buộc cha mẹ với con cái lỏng lẻo, khiến cho nhu cầu sinh ít con, cùng với xu hướng sống độc thân tăng lên. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), xu hướng này chủ yếu là do sức ép KT-XH đè nặng lên các cặp vợ chồng trong việc nuôi dạy con cái. Đa phần chị em đang lao động ở Hà Nội đều cho rằng, hiện nay để bảo đảm cái ăn, cái mặc và cho con học hành được bằng bạn bè đã là một gánh rất nặng lớn, cũng vì thế nhiều chị em quá mệt mỏi và "ngại" sinh thêm con.
… đến nỗi lo chất lượng dân số
Xu hướng sinh một con góp phần đẩy nhanh công tác giảm tỷ lệ sinh, mang đến nhiều lợi ích cho từng gia đình và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài cũng sẽ mang lại nhiều "rắc rối". Chính phủ Hàn Quốc hiện nay đang lo lắng vì tỷ lệ sinh giảm sẽ dẫn đến suy giảm lực lượng lao động, ảnh hưởng mức tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, nước này đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích người dân sinh con, trong đó cho phép người chồng được nghỉ việc ở nhà chăm con (có trợ cấp)… nhưng kết quả không như mong muốn. Tại Trung Quốc, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách một con, đất nước này đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực trong tương lai khi tỷ lệ già hóa đang diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, Chính phủ nước này đã phải nới lỏng các quy định, cho phép những trường hợp ngoại lệ hơn một con...
Còn với nước ta, TS Dương Quốc Trọng cũng thừa nhận, việc khuyến sinh cũng gặp khó khăn. Hiện nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới thành công trong việc này, từ Thụy Điển, Nga, Singapore đến Hàn Quốc, Nhật Bản... Do tỷ suất sinh và tỷ suất tử đều giảm, tuổi thọ được kéo dài, DS nước ta cũng đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh chóng trong khi chất lượng DS không được cải thiện là bao. Theo TS Dương Quốc Trọng, mục tiêu suốt 50 năm qua của công tác DS là giảm sinh, giảm càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần có các chính sách DS khác nhau ở từng vùng, miền để có mức sinh hợp lý ở các địa phương đồng thời nâng cao chất lượng DS, thích ứng với việc nước ta trở thành quốc gia có DS già trong vòng 15-20 năm nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.