Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sở Kinh tế đối ngoại Hà Nội trong ''bình minh'' đổi mới của Thủ đô

Tiến sĩ Nguyễn Quang Lân| 30/05/2022 08:29

Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đã đưa ra chủ trương mở rộng hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước. Đảng ta đã nêu cao khẩu hiệu: “Việt Nam sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thanh Bình thăm một nhà máy dệt ở Mátxcơva (Liên Xô cũ) năm 1987.

Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố Hà Nội (năm 1986) xác định, ưu tiên phát triển kinh tế đối ngoại, coi kinh tế đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô. Thành phố khẳng định: Cơ cấu kinh tế của Hà Nội bao gồm công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ - kinh tế đối ngoại. Từ chủ trương đó, Hà Nội quyết tâm mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại gồm: Xuất nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ thu ngoại tệ, xuất khẩu lao động, tranh thủ các nguồn viện trợ nước ngoài…

Hội nghị Thành ủy tháng 12-1990 tiếp tục nhấn mạnh: Mở rộng các hoạt động kinh tế đối ngoại, phấn đấu cân đối các nhu cầu ngoại tệ cho thành phố, coi trọng các thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm thị trường mới, nhất là thị trường các nước lân cận. Các cơ sở sản xuất cần tranh thủ các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn từ nước ngoài, thông qua các hình thức đầu tư, viện trợ nước ngoài.

Để tạo điều kiện thực hiện thắng lợi chủ trương mở rộng và phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập Sở Kinh tế đối ngoại Hà Nội (Quyết định số 1209/QĐ-UB ngày 30-5-1992). Sở Kinh tế đối ngoại (có nhiệm vụ tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố chủ trương, kế hoạch trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, giúp UBND thành phố quản lý các lĩnh vực: Đối ngoại chính trị, ngoại vụ, xuất, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút và quản lý viện trợ chính thức (ODA), không chính thức; du lịch (nội địa và quốc tế).  

Kế thừa những thành công trong hoạt động quốc tế của Ban Ngoại vụ, Ban Đối ngoại thành phố, cán bộ, công nhân viên Sở Kinh tế đối ngoại Hà Nội đã thực hiện xuất sắc những nhiệm vụ được giao.

Với chủ trương phát triển mối quan hệ trực tiếp về kinh tế, chính trị với Thủ đô và các thành phố lớn trên thế giới, với các tập đoàn kinh tế tiềm năng để tìm đầu ra, tìm công nghệ cho các doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kinh tế đối ngoại đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố mở rộng quan hệ trực tiếp với nhiều thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. Ngày 10-9-1992, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế của Thủ đô. Trên cơ sở đó, Sở Kinh tế đối ngoại đã trực tiếp cùng các ban, ngành của trung ương và thành phố tìm các đối tác tiềm năng trên thế giới, xây dựng thành công nhiều cơ sở liên doanh theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, như liên doanh khách sạn Sofitel Metropole, Daewoo, Melia, Horizon Hà Nội, Tháp Hà Nội, The Lien - International Hà Nội, Hanoi Hotel… Đây là những cơ sở lưu trú chất lượng 5 sao, góp phần phục vụ cho quá trình mở cửa và hội nhập.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Sở Kinh tế đối ngoại đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tìm và đàm phán xây dựng thành công nhiều cơ sở công nghiệp công nghệ cao như: Khu công nghiệp Sài Đồng 1-2, Khu công nghiệp Đài Tư, Khu công nghiệp Thăng Long, Khu công nghiệp Sóc Sơn… Những khu công nghiệp trên với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, sản xuất các mặt hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu. 

Với sự hỗ trợ của Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác, phía đối tác Đài Loan (Trung Quốc) đã thông qua Sở Kinh tế đối ngoại Hà Nội, hỗ trợ khoản vay 15 triệu USD không lãi suất, cùng với nhiều nguồn tài trợ khác của nước ngoài giúp cho các xí nghiệp công nghiệp Hà Nội đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực xuất khẩu. Các đơn vị như: Xí nghiệp May 40, May Ngọc Hà, Giầy Hà Nội, Giấy Thượng Đình, Giầy Thụy Khuê, Unimex, Dasimex, May Thăng Long, Dệt kim Hà Nội… nhờ có công nghệ mới đã nhanh chóng tìm được thị trường xuất khẩu trong khu vực, đóng góp tích cực cho kinh tế Thủ đô, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Nhờ quan hệ trực tiếp với các thành phố trên thế giới, thành phố Hà Nội đã gửi hàng nghìn lao động sang làm việc, nâng cao tay nghề. Nhiều cán bộ sau thời gian công tác, lao động ở nước ngoài trở về đã đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý của địa phương.

Trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Sở Kinh tế đối ngoại Hà Nội đã tích cực, chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương, tìm được nhiều nguồn vốn ODA đầu tư cho Hà Nội. Dự án cấp nước do Chính phủ Phần Lan hỗ trợ cho Hà Nội với tổng số vốn giai đoạn đầu gần 20 triệu USD và nhiều giai đoạn tiếp theo góp phần hoàn thiện một bước hệ thống cung cấp nước sạch cho Hà Nội. Dự án hoàn thiện hệ thống thoát nước Hà Nội với tổng kinh phí hàng trăm triệu USD do Chính phủ Nhật Bản tài trợ và nhiều dự án lớn khác trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đã nâng cao một bước đáng kể hệ thống hạ tầng kỹ thuật Thủ đô.

Những hoạt động trên của ngành kinh tế đối ngoại Thủ đô trong giai đoạn đầu công cuộc “đổi mới, mở cửa” thể hiện sự chỉ đạo sáng tạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô sau này. Chúng ta ghi nhận những đóng góp tích cực của đội ngũ những người làm kinh tế đối ngoại Thủ đô, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, giàu mạnh.

Ngày nay, theo xu thế phát triển, hoạt động kinh tế đối ngoại Thủ đô vượt ra “chiếc áo đã chật” của Sở Kinh tế đối ngoại Hà Nội. Các chức năng, nhiệm vụ của Sở Kinh tế đối ngoại đang được tiếp tục thực hiện bởi các ngành: Ngoại vụ, Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Du lịch, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và nhiều cơ quan khác. Tự hào vì những thành tựu đã đạt được, những người làm kinh tế đối ngoại của Thủ đô vẫn tiếp bước các thế hệ đi trước, gặt hái nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân Thủ đô và truyền thống của ngành kinh tế đối ngoại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở Kinh tế đối ngoại Hà Nội trong ''bình minh'' đổi mới của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.