Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siêu vi khuẩn kháng kháng sinh có thể giết chết 10 triệu người từ nay đến 2050

An Hy| 31/05/2016 16:44

(HNMO) - Dù thực tế không thể tránh khỏi, nhưng sự xuất hiện của chủng vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh ở Mỹ đang là mối lo ngại lớn cho các nhà nghiên cứu.


Siêu vi khuẩn kháng kháng sinh được phát hiện như thế nào?

MCR-1 là một gen đột biến được tìm thấy trong một số vi khuẩn, có thể kháng mọi loại thuốc kháng sinh, kể cả những kháng sinh thuộc dạng “cứu cánh cuối cùng” như Colistin.

Colistin xuất hiện từ những năm 1950 nhưng chưa được sử dụng rộng rãi, bởi nó có thể gây hại cho thận. Và bởi vì chưa được dùng rộng rãi đối với con người, nên nó vẫn giữ được đặc tính kháng sinh tốt hơn so với bất kỳ loại thuốc nào khác.

Bởi vậy Colistin được coi là “cứu cánh cuối cùng” của con người. Đây là loại kháng sinh cuối cùng mà con người dùng để tiêu diệt những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh mạnh nhất.

Vi khuẩn E.coli mang gen chống kháng kháng sinh MCR-1 - Ảnh: Reuters

Một trong những nơi sử dụng phổ biến loại kháng sinh này là Trung Quốc. Colistin được cho vào thức ăn chăn nuôi để giúp tăng trọng nhanh và bảo vệ vật nuôi khỏi các bệnh tật. Loại kháng sinh này có giá rẻ bởi nó không được dùng cho con người. 8 nhà sản xuất Colistin hàng đầu cho vật nuôi đều có trụ sở ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu nước này chính là những người đầu tiên phát hiện ra chiều hướng kháng Colistin trên vi khuẩn E. coli vào năm 2013. Cuối năm đó, họ đã công bố một báo cáo cho thấy loại vi khuẩn này đang lan rộng.

Sau vài năm tiến hành kiểm tra một số mẫu thịt bán lẻ và các bệnh nhân tại hai bệnh viện, họ đã phát hiện ra gen MCR-1 có mặt trong 15% thịt lợn và gà sống, 21% lợn trong các lò giết mổ… và 1% trong số 1322 mẫu xét nghiệm từ các bệnh nhân trong bệnh viện.

Siêu khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm như thế nào?

MCR-1 là loại gen kháng Colistin nằm trên các đoạn plasmid, tức các phân tử ADN mạch kép dạng vòng nằm ngoài ADN nhiễm sắc thể. MCR-1 có khả năng di chuyển giữa các vi khuẩn, và dẫn đến tình trạng kháng thuốc hàng loạt.

Các khoa học Trung Quốc tìm ra MCR-1 đã cảnh báo về hiểm họa của các chủng vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh, nhưng thế giới đã không lường được khả năng lây lan âm thầm và nhanh chóng đến như vậy của chủng vi khuẩn này. Theo đó, mọi vi khuẩn chứa MCR-1 đều sẽ trở nên đáng sợ, cho dù nó là vi khuẩn lành nhất, vì MCR-1 sẽ nhanh chóng truyền từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác, sang động vật, và sang con người, có khả năng lây lan toàn thế giới.

Thực tế là gen MCR-1 đã tìm được đường đến nước Mỹ và nguy hiểm hơn, nó lại được phát hiện trên con người chứ không phải động vật. Mới đây, nước này đã phát hiện người mắc đầu tiên là một phụ nữ 49 tuổi sống tại bang Pennsylvania.

Điều các nhà khoa học quan tâm là việc sử dụng Colistin ở Mỹ tương đối thấp. Trong khi đó, người phụ nữ nhiễm siêu vi khuẩn E.coli mang MCR-1 lại chưa hề ra nước ngoài trong vòng 5 tháng qua, và do vậy không thể bị nhiễm siêu vi khuẩn này từ bên ngoài. Như vậy đây có thể là trường hợp mắc bệnh tự phát ngay trong nước Mỹ, nhiều khả năng xuất phát từ thực phẩm.

Phát hiện này là một tiếng chuông cảnh báo thực sự đối với con người về sự xuất hiện của siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Thống đốc bang Pennsylvania Tom Wolf nói rằng không còn cách nào khác là phải ngăn chặn nó “lây lan với những hệ quả nghiêm trọng”.

Theo dự báo, tới năm 2050, loại siêu khuẩn này có thể sẽ giết chết 10 triệu người. Đối phó với nguy cơ đó, các chính phủ trên toàn thế giới không còn cách nào khác là phải nhanh chóng triển khai các chương trình y tế nhằm giảm nhu cầu dùng thuốc kháng sinh cho con người và trong nông nghiệp.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siêu vi khuẩn kháng kháng sinh có thể giết chết 10 triệu người từ nay đến 2050

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.