Hàng thương hiệu riêng, giá rẻ của siêu thị lớn được dự báo sẽ thành xu hướng mua sắm hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Luyến ở Kiều Mai (Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trước kia, cần gì chị vẫn hay ra chợ mua. Từ ngày Big C mở thêm chi nhánh ở Mễ Trì, cứ khoảng hai tuần một lần, chị lại cùng chồng đi siêu thị. Nước xả vải, khăn lau tay, quần áo hay bánh mì... mang nhãn của siêu thị này đều được chị lùng mua. Nguyên nhân là giá rẻ hơn so với những hàng hóa cùng loại khác.
Giá nước xả vải dung tích 2 lít của siêu thị chỉ khoảng 30.000 đồng một can, bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với loại khác có tên tuổi hơn. Trong khi đó, quần áo giá rẻ có khi chỉ vài chục nghìn đồng một sản phẩm, còn rẻ hơn ngoài chợ. "Chẳng hạn đồ lót bán theo lố, chỉ khoảng trên dưới 20.000 đồng ba chiếc, khá phù hợp với túi tiền của những người có thu nhập trung bình như chúng tôi", chị nói.
Hàng nhãn riêng do siêu thị sản xuất thường có giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại.
Bà Hường ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên mua thực phẩm nhãn riêng của siêu thị Co.opMart tại Hà Nội cũng chia sẻ, chất lượng hàng khá ổn. So với một số sản phẩm nhập khẩu từ các đơn vị khác, hàng nhãn riêng của siêu thị không có quá nhiều chênh lệch trong hình thức bao bì, còn giá thành có phần ưu đãi hơn.
Ghi nhận của PV, hiện tại, sản phẩm nhãn riêng của các siêu thị đều có giá rẻ hơn so với hàng cùng loại. Tại Big C, vở nhãn hiệu WOW giá rẻ do văn phòng phẩm Hồng Hà sản xuất, giá chỉ khoảng 3.900 đồng một quyển, rẻ gần một nửa so với giá vở cũng của công ty này sản xuất nhưng được nhập về bán. Nước giặt Big C do hãng mới tung ra từ tháng 5 giá gần 60.000 đồng một can khuyến mại thêm nước xả đóng gói, so với một số thương hiệu nổi tiếng, cũng chỉ bằng một nửa hoặc hai phần ba.
Đa phần những người đã từng mua sản phẩm đều thừa nhận, giá rẻ là một trong những thế mạnh của nhãn hàng riêng siêu thị. Tuy nhiên, bên cạnh giá rẻ, chất lượng sản phẩm cũng như hình thức bao bì nên bắt mắt hơn, là đòi hỏi của khách trong thời buổi các mặt hàng phong phú và cạnh tranh liên tục như hiện nay.
Chị Thủy ở khu tập thể Viện nghiên cứu cơ khí (Mỹ Đình, Hà Nội) hay mua sữa tắm nhãn riêng của Big C cho biết, sản phẩm giá rẻ, chỉ 30.000 đồng một chai nhưng bao bì không bắt mắt. "Ngoài chất lượng, tôi nghĩ bao bì thu hút cũng sẽ làm nên thương hiệu cho các sản phẩm nhãn riêng này", chị bày tỏ.
Đứng ngần ngừ trước kệ hàng bày giấy nhãn Big C vừa được siêu thị này tung ra từ đầu tháng 5, chị Tâm (Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cho biết, giấy chất lượng tốt, nhưng bao bì không nổi bật.
Chị bảo vẫn hay dùng khăn giấy của một thương hiệu lớn với giá có khi lên đến 30.000-40.000 đồng một hộp trung. "Nhưng giấy do siêu thị sản xuất chỉ chưa đến 20.000 đồng mà chất lượng cũng ổn, do đó tôi vẫn phân vân, chỉ có điều thiết kế chưa được đẹp lắm", chị nói.
Điện một số siêu thị kinh doanh hàng nhãn riêng khẳng định chất lượng hàng hóa siêu thị sản xuất, phân phối luôn đảm bảo.
Đại diện Big C cho biết, giá cả hàng nhãn riêng cạnh tranh hơn những sản phẩm cùng loại do siêu thị không phải đầu tư các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, phía sản xuất cũng tận dụng được năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu nên tối ưu được giá thành.
Bà này cho hay, thực tế hàng nhãn riêng được phân khúc theo từng định vị khác nhau. Tại đơn vị này hiện tại có 5 nhãn với các định vị hàng giá rẻ, trung cấp và cao cấp. Chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ khoảng 350 trên tổng số hơn 50.000 mặt hàng, sản phẩm dán nhãn siêu thị được bộ phận khách hàng có thu nhập thấp và trung bình ưa thích, vì giá thành ưu đãi.
Đại diện siêu thị Saigon Co.opMart cũng chia sẻ, các mặt hàng dán nhãn siêu thị này đều được sản xuất từ nhà máy đạt chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định. Ngoài ra, chính người sản xuất và bán sản phẩm sẽ chịu trách nhiệm với người tiêu dùng nên không thể có chuyện coi nhẹ chất lượng.
Trên thế giới, siêu thị tự sản xuất và phân phối hàng hóa mang thương hiệu riêng không mới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình thức này mới xuất hiện chủ yếu là thực phẩm, đồ đông lạnh, chế biến sẵn, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, may mặc...Những đơn vị phát triển mạnh kinh doanh hàng nhãn riêng là Big C, Saigon Co.opMart, Metro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.