Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siêu lợi nhuận làm lỏng quản lý!

Ngọc Thủy - Bảo Nga| 25/08/2013 05:52

(HNM) - Như chúng tôi đã phân tích trong hai kỳ trước, để xảy ra tình trạng chiếm dụng vỉa hè trên hầu khắp các tuyến phố, đặc biệt là các phố trung tâm của Hà Nội có nguyên nhân chủ quan là do buông lỏng quản lý...



Vậy nguyên nhân khách quan là do đâu? Không khó để nhận ra, đó là giá trị kinh tế của mỗi mét vuông vỉa hè trong thời buổi "tấc đất mặt phố đắt hơn tấc vàng". Lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, trông xe… không phải mất tiền thuê mặt bằng, chi phí thì rất ít nhưng các khoản thu là "tiền tươi thóc thật" vô cùng lớn, thế nên tình trạng nhà nhà lấn vỉa hè, người người chiếm dụng lòng lề đường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Một điểm trông giữ xe máy trên phố Nguyễn Xí. Ảnh: Thái Hiền


Càng lấn nhiều, thu lãi càng lớn

21h30 ngày 23-8, nhà hàng chân gà nướng và hải sản tươi sống Mĩ Miều ở số 22 - B10 Kim Liên vẫn trong "giờ cao điểm". Ba dãy xe máy đậu kín vỉa hè mặt phố Phạm Ngọc Thạch và người đi bộ đương nhiên không còn chỗ len chân. Chưa kể hai chiếc lò nướng công suất lớn liên tục đỏ lửa được kê sát lề đường, phả khói và mùi thức ăn khét lẹt suốt dãy phố dài. Cạnh đó, ngõ 65 phố Phạm Ngọc Thạch cũng bị biến thành lãnh địa riêng của nhà hàng này. Hàng chục chiếc ô tô đậu kín mặt ngõ, chưa kể khu rửa bát đĩa cũng lấy vỉa hè làm mặt bằng hoạt động, nước thải lênh láng.

Một người dân sống ở nhà B14 Kim Liên bức xúc nói với phóng viên: "Nhà hàng này có thâm niên lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường nhiều năm nay, diện tích lấn chiếm đến hàng trăm mét vuông. Họ bán hàng cả trưa, tối, gây rất nhiều phiền toái, bức xúc cho người dân khu vực và các cháu nhỏ Trường Tiểu học Kim Liên gần đó. Không kể tình trạng ô nhiễm môi trường, việc ùn tắc giao thông cũng diễn ra như cơm bữa. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần đến chính quyền phường Kim Liên nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Với việc "kinh doanh miễn phí" trên hàng trăm mét vuông vỉa hè, lợi nhuận nhà hàng Mĩ Miều thu được không hề nhỏ. Phải chăng là một phần số tiền đó đã được dùng để "bôi trơn" nên nhiều năm qua họ mới được sử dụng vỉa hè, lòng đường một cách ngang nhiên như thế?".

Trên tuyến phố Thái Hà - một trong những phố chính của quận Đống Đa, "điểm đen" chiếm dụng vỉa hè có thể kể tên là những cơ sở kinh doanh lớn như siêu thị Minh Hoa, quán karaoke 123... Đặc biệt nhà hàng CHAO ở số 8 Thái Hà, ngoài hai dãy xe máy để trên vỉa hè, chủ nhà hàng này còn cho kê thêm một dãy bàn ghế phía ngoài phục vụ những vị khách muốn ngắm phố phường về đêm. Còn trên tuyến phố Chùa Bộc, đoạn từ ngã tư Tôn Thất Tùng - Chùa Bộc đến hết số nhà 43, từ hai năm nay hàng trăm mét vỉa hè đã biến thành mặt bằng một chợ đêm tự phát. Chỉ cần một mảnh ni lông trải trực tiếp trên hè phố, chủ hàng đã có một sạp hàng di động bày bán đủ mọi thứ, từ quần áo, giày dép đến túi xách, dụng cụ học tập. Trong thời gian khảo sát của phóng viên tối 23-8, chúng tôi cũng nhìn thấy một chiếc xe của lực lượng chức năng BKS 29A-00861 đỗ trên vỉa hè, ngay sát khu chợ tự phát nhưng không thấy bóng dáng một người thực thi nhiệm vụ nào!

Còn tại những điểm trông giữ xe trên vỉa hè, thời gian qua, tình trạng thu quá giá quy định, vượt quá diện tích được cấp phép đã được báo chí phản ánh khá nhiều nên việc thâm nhập để tìm hiểu thông tin không đơn giản. Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận có số điểm trông giữ xe được cấp phép nhiều nhất thành phố, việc thu phí sử dụng hè, lề đường vẫn đang thực hiện theo Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND theo mô hình "khoán quản". Quận Hoàn Kiếm đã quy hoạch và tạm chia vỉa hè thành 5 khu vực, cấp phép cho 5 doanh nghiệp, thu 45.000 đồng/m2 đối với các tuyến phố chính, riêng đối với Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thực hiện nộp mức phí bằng 2% trên doanh thu trông giữ xe vào ngân sách. Theo một nhân viên trông xe trên vỉa hè một tuyến phố chính thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (xin được giấu tên), hiện nay anh đang quản lý một điểm trông giữ xe máy diện tích 20m2, được kẻ vạch rõ ràng. Chiểu theo quy định trên, số tiền điểm trông xe này phải nộp vào ngân sách chỉ là 900.000 đồng/tháng, nhưng trên thực tế, anh phải nộp tiền khoán là 4 triệu đồng/tháng, còn lại anh mới được hưởng. Trong khi đó, nếu chiểu theo quy định tại Quyết định số 47/2011/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 22-11-2011 về việc thu phí trông giữ xe trên địa bàn, mỗi xe máy anh chỉ được thu 45.000 đồng/tháng nếu có hợp đồng và 2.000 đồng/lượt vào ra. Với 20m2, tối đa anh chỉ xếp được 30 xe, vì vậy dù có giỏi "nhồi nhét" mức thu một tháng không thể vượt quá 2 triệu đồng. Làm thế nào để bù số tiền khoán hàng tháng cũng như có tiền trả lương cho mình? Tất nhiên chẳng cách nào khác là thu quá giá theo thỏa thuận với người gửi, để xe ngoài vạch kẻ, lấn chiếm thêm hè đường. Theo nhân viên này, chắc chắn không chỉ có mình anh làm như thế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè hỗn loạn.

Bát nháo khai thác điểm đỗ

Theo thống kê mới nhất của UBND TP Hà Nội, tính đến hết năm 2012, thành phố đang quản lý hơn 4,8 triệu ô tô, xe máy, trong đó có 414. 252 ô tô và trên 4,4 triệu xe máy, chưa kể một lượng lớn phương tiện từ các địa phương đổ về Hà Nội mỗi ngày. Trong khi đó, toàn thành phố chỉ có 1.245 điểm, bãi đỗ xe có phép với tổng diện tích trên 43,84ha. Với diện tích giao thông tĩnh quá ư "khiêm tốn", hiện các điểm, bãi đỗ xe được cấp phép chỉ đáp ứng được từ 8% đến 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Hơn 90% số phương tiện còn lại hiện đang phải đỗ tại sân trường học, sân cơ quan và các điểm, bãi đỗ xe không được cấp phép. Như vậy, có thể nói thiếu bãi đỗ xe đang trở thành vấn nạn của giao thông đô thị Hà Nội.

Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè lâu nay gây bức xúc trong xã hội không chỉ bởi những vi phạm thường trực mà còn liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm của các cấp quản lý. Gần đây, qua hai đợt thanh tra vỉa hè, lòng đường lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện rất nhiều bất cập từ hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất, sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan, đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, mức thu phí và lệ phí trông xe, sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè phố và thu quá giá quy định... Một hè đường, tuyến phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được cấp phép và chính vì chồng chéo nên dẫn đến tình trạng trong nhiều năm các hộ dân, cơ quan ngang nhiên sử dụng trái phép vỉa hè. Theo một cán bộ thuộc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước năm 2008, Sở GTVT là đơn vị được giao nhiệm vụ cấp toàn bộ giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè. Sau năm 2008 thì Sở được giao quản lý đường, còn quận quản lý hè và cấp phép trên hè. Đến cuối năm 2011 đầu 2012, lại giao cho Sở GTVT quản lý tổng thể lòng đường, vỉa hè những tuyến đường trọng điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao. Việc trên cùng một tuyến đường, có thời điểm thì cho phép, thời điểm sau cấm, sau đó ít lâu lại cho phép trông giữ… đã khiến thói quen sử dụng lòng đường, hè phố của người dân bị thay đổi liên tục, không thành nếp. Mặt khác, việc quản lý chồng chéo, "giẫm chân" nhau khi trên một quận, tuyến này thì sở quản lý đường, tuyến kia quận quản lý hè, một hè đường phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép… đã khiến hoạt động khai thác điểm đỗ tại Hà Nội trở nên bát nháo hơn bao giờ hết.

Theo ông Phạm Văn Đức - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ Hà Nội (Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội), trên toàn thành phố hiện có khoảng trên 20 doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này. Trong số đó, Công ty Khai thác điểm đỗ là doanh nghiệp nhà nước duy nhất khai thác 57 điểm đỗ trên vỉa hè, 102 điểm đỗ dưới lòng đường và 30 điểm trong khuôn viên thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên, Cầu Giấy... tương đương khoảng 15% thị phần dịch vụ khai thác điểm đỗ xe. Việc một đơn vị được cấp phép kinh doanh dịch vụ này cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ... đơn vị đó sẽ được cấp phép khai thác điểm đỗ xe có thời hạn, từ 3 tháng - 6 tháng - 9 tháng đến một năm. Do kinh doanh loại hình dịch vụ này không phải đầu tư lớn, lợi nhuận cao... nên xuất hiện tình trạng nhà nhà trông xe, người người trông xe. Trong khi đó, việc quản lý các điểm khai thác điểm đỗ lại chồng chéo, "một cổ nhiều tròng". Cũng theo ông Đức, để duy trì các điểm trông giữ, một đơn vị khai thác điểm đỗ phải chịu sự quản lý của hàng loạt cơ quan như lực lượng phòng cháy chữa cháy, Sở GTVT Hà Nội, Sở Tài chính, công an kinh tế quận... Sự quản lý chồng chéo này đã khiến bãi đỗ xe ở Hà Nội bộc lộ điểm yếu trong tổ chức, quản lý, quy hoạch các điểm giao thông tĩnh trên địa bàn Thủ đô.

Để có một "vỉa hè sạch", đủ chỗ cho người đi bộ (tối thiểu là 1,5m), ngoài nguyên nhân do buông lỏng quản lý, hoặc cố tình vi phạm lấn chiếm thì còn có nhiều nguyên nhân khác. Trong báo cáo gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, lãnh đạo TP Hà Nội lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại tình trạng vỉa hè lộn xộn, giao thông ùn tắc là do lưu lượng phương tiện giao thông trên địa bàn quá lớn, nhiều công trình giao thông trọng điểm thi công chậm, luôn trong tình trạng vừa thi công vừa sử dụng, diện tích đất cho bãi đỗ xe mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu…

Muốn người đi bộ chấp hành tốt luật giao thông thì vỉa hè phải được trả lại cho họ. Vẫn biết ở Hà Nội vỉa hè là "vỉa vàng", mỗi tấc đất là tấc vàng, thế nên việc các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp đua nhau lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chiếm dụng từng centimét để kiếm tiền là điều dễ hiểu. Thế nhưng có những giá trị còn lớn hơn vàng rất nhiều, đó là xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố văn minh thanh lịch, không còn tình trạng chiếm dụng vỉa hè kinh doanh một cách hỗn loạn như hiện nay. Muốn được như vậy, ngoài công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân thì trước tiên các cơ quan chức năng phải xử lý triệt để các sai phạm, xóa bỏ lợi ích nhóm, chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại, ra quân chấn chỉnh kiểu phong trào, làm hình thức để rồi kết quả thu về chỉ như "ném đá ao bèo", "bắt cóc bỏ đĩa"…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siêu lợi nhuận làm lỏng quản lý!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.