Bên cạnh việc kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ, làm giá, NHNN cũng sẽ có cơ chế để các tổ chức tín dụng có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp, đảm bảo bình ổn thị trường vàng
Trước sự biến động mạnh của thị trường vàng, dư luận chờ đợi phương án bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý thị trường đang rất bất ổn này. Ngoài ra, phương án huy động vàng trong nền kinh tế nhằm tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân nắm giữ vàng cũng được NHNN chuẩn bị rốt ráo. Nếu kịp tiến độ, trong tháng 9/2011, NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức lại thị trường vàng.
Cảnh mua bán lộn xộn lại tái diễn khi vàng biến động mạnh. |
Trong những ngày giá vàng thế giới biến động, dư luận cho rằng có hiện tượng đầu cơ, làm giá, gây nhiễu loạn thị trường vàng. Đáng nói, giá vàng từ đầu tháng 8 tới nay luôn cao hơn giá thế giới (quy đổi theo tỷ giá đô la liên ngân hàng), có lúc cao hơn 200.000 - 400.000 đồng/chỉ. Theo đó, quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm 2011 là ổn định tỷ giá, đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường.
Bên cạnh việc kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ, làm giá, NHNN cũng sẽ có cơ chế để các tổ chức tín dụng có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp, đảm bảo bình ổn thị trường vàng. Theo tính toán, lượng vàng NHNN có thể huy động trong nhân dân là phong phú, tối thiểu cũng huy động được tương đương số vàng mà người dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, khoảng 130 tấn, tương đương 10 tỷ USD. Điều này sẽ giúp đảm bảo tối đa quyền lợi người dân, bình ổn thị trường, tạo nguồn lực quốc gia.
Vừa qua, NHNN đã cấp hạn mức nhập 5 tấn vàng nhưng hiện mới chỉ thực nhập gần 3 tấn. “Với các giải pháp của NHNN thời gian qua cũng như thời gian tới có thể khẳng định rằng hoàn toàn có thể kiểm soát để đảm bảo diễn biến của giá vàng trong nước theo sát giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Vấn đề quản lý kinh doanh vàng miếng được đưa ra bàn luận từ đầu năm, nay nếu dự thảo được thông qua sớm sẽ tạo điều kiện tổ chức lại thị trường vàng (Nghị định thay thế Nghị định 174 nhằm đáp ứng các mục tiêu do Nghị quyết 11 đề ra). Theo dự thảo Nghị định, về sản xuất vàng miếng, NHNN sẽ là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, NHNN sẽ tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng nhưng sẽ rất hạn chế.
Về lưu thông vàng miếng, NHNN chỉ cho phép một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng được thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc quản lý hoạt động mua bán này.
Về xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đối với sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Riêng hoạt động gia công nhỏ lẻ của cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mà được thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Với những điều chỉnh mới, NHNN tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đây là các yếu tố đảm bảo cho NHNN can thiệp hiệu quả trên thị trường vàng, chống đầu cơ lũng đoạn giá vàng.
Cùng với siết chặt quản lý thị trường vàng, một trong các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2011 được Chính phủ giao Bộ Tài chính, NHNN là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chặt chẽ, thận trọng theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt chú ý bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất dần theo diễn biến của mức giảm lạm phát.
Hiện, NHNN đang điều hành lượng tiền cung ứng phù hợp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20%, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trước mắt giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, xem xét điều chỉnh giảm mức lãi suất với biên độ phù hợp trong trường hợp lạm phát giảm, tiếp tục giữ trần lãi suất huy động 14% năm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay, bỏ trần lãi suất khi điều kiện cho phép.
Theo NHNN, thời gian qua cán cân thương mại được cải thiện đáng kể, từ chỗ nhập siêu khoảng 16% xuất khẩu, nay chỉ còn trên 10%. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng lên đáng kể và với con số này đủ để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống. Thực tế đó hoàn toàn có cơ sở khẳng định sự chủ động đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011 bởi ổn định tỷ giá là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế.
Tại buổi làm việc cuối tuần qua với NHNN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, để kịp thời ứng phó với những diễn biến của thị trường, cần linh hoạt hơn trong việc điều hành để đảm bảo tăng trưởng dư nợ tín dụng trong giới hạn 20%. Phó Thủ tướng lưu ý việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hệ thống ngân hàng thương mại, đảm bảo cho hệ thống phát triển một cách lành mạnh, ổn định, là công cụ thực hiện tốt các chính sách điều tiết vĩ mô.
Ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, NHNN đã gia tăng được một lượng dự trữ ngoại hối đáng kể để tạo được sự chủ động. Theo ông, việc kết hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là điều rất quan trọng. Đối với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20%, con số này được cho là phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam để duy trì sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.