Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết lại hoạt động thương mại điện tử: Chậm còn hơn không!

Dạ Khánh| 10/04/2014 06:03

(HNM) - Nhiều người tiêu dùng đã bỏ tiền mua hàng trên mạng, song lại nhận được sản phẩm không như quảng cáo, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Sau khi nhận hàng, chị Hiền thấy chất lượng túi không như quảng cáo, đường may thô, không có nhãn mác...

Trên thực tế, trường hợp của chị Hiền không phải cá biệt khi rất nhiều người tiêu dùng đã bỏ tiền mua hàng trên mạng, song lại nhận được sản phẩm không như quảng cáo, hàng giả, hàng kém chất lượng…

www.123vatgia.vn nằm trong danh sách những trang web vi phạm.


Nhiều trang web bán hàng giả

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), mấy năm trở lại đây, các trang web mua bán, sàn giao dịch điện tử, mua bán qua trang mạng cá nhân… cũng bắt đầu phát triển nở rộ. Tuy nhiên thời gian qua đã xảy ra không ít các vụ lừa đảo về giao dịch thanh toán tiền, bán hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng qua mạng… gây mất lòng tin cho người mua hàng trực tuyến.

Giữa tháng 3-2014, trong một thông cáo gửi cơ quan báo chí, hãng mỹ phẩm L’Oreal Việt Nam cho biết: Sau khi tiến hành kiểm tra các trang web bán hàng online, hãng này phát hiện 14 trang mạng đang bán các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của công ty với giá chào bán chỉ bằng 1/3-1/5 giá trị của sản phẩm thật đang có trên thị trường. Các trang web được L’Oreal Việt Nam chỉ đích danh gồm: www.dealvip.vn; www.hcmdeal.com; www.topmuare.vn; http://vndeal.net; http://muatichluy.com; http://1122deal.com; www.redeal.vn; www.cucre.vn; http://www.yandeal.vn; http://www.sieumua.vn; http://www.dealsaigon.com; http://.lamido.vn; http://familydeal.vn; http://www.evamua.vn.

Hàng giả, hàng nhái có chất lượng kém, thậm chí đã hết hạn sử dụng nên khi người mua sử dụng, nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe. Trong khi đó, tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) www.online.gov.vn (Bộ Công thương), sau khi nhận được phản ánh của một số người dân và kiểm tra thông tin thực tế, Bộ Công thương cũng có cảnh báo về hiện tượng lừa đảo, mạo danh trang web bán nội thất của chủ trang web http://www.thanhcong2013.biz...com. Thông tin giới thiệu sản phẩm tại website được copy từ một công ty về nội thất khác; số điện thoại cố định là số fax của một công ty ở Thái Bình, khác với địa chỉ cung cấp trên trang web. Nhằm tạo niềm tin cho khách hàng, chủ trang web http://www.thanhcong2013.biz...com còn giới thiệu khách hàng đến cửa hàng 984 Đê La Thành, Hà Nội để xem mẫu hàng. Tuy nhiên địa chỉ trên thuộc sở hữu của Công ty Nội thất mây nhựa 369. Hiện tượng giả mạo trên cũng được chính Công ty Nội thất mây nhựa 369 cảnh báo tới khách hàng trên website của mình. Ngoài ra, trong quá trình giao dịch, chủ website http://www.thanhcong2013.biz...com luôn yêu cầu khách hàng chuyển trước tiền đặt cọc vào tài khoản ngân hàng, song lại không thực hiện nghĩa vụ giao hàng cho khách…

Có thể nói, những vụ mạo danh, lừa đảo, bán hàng không bảo đảm chất lượng qua kênh bán hàng “trực tuyến” thời gian qua không ít. Theo nhận định của Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công thương), trở ngại chính cho việc phát triển của TMĐT hiện nay ở Việt Nam là nhận thức chưa đầy đủ về hiệu quả và chưa bảo đảm lòng tin cho người mua hàng trực tuyến, cũng như các vấn đề về an toàn giao dịch trên mạng.

Cảnh giác khi mua hàng qua mạng

Theo Bộ Công thương, năm 2013 được coi là năm có nhiều bước tiến quan trọng về hạ tầng pháp lý về TMĐT. Ngày 16-5-2013, Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT được ban hành, thiết lập một trật tự quản lý mới cho các mô hình TMĐT. Ngày 20-6-2013, Bộ Công thương ra Thông tư 12/2013/TT-BCT hướng dẫn về thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến trang web TMĐT trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT. Đối với chế tài xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động TMĐT, ngày 15-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm về TMĐT (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014).

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công thương) cho biết: Việc khung pháp lý cho lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam được hoàn thiện trong năm 2013 đã tạo hạ tầng tốt cho các DN đang hoạt động theo mô hình này tuân thủ các quy định của pháp luật. Khung pháp lý cũng giúp các DN định hướng phát triển lành mạnh, bảo đảm lợi ích NTD, thúc đẩy sự phát triển trong đó tập trung vào chất lượng hơn là số lượng như thời gian vừa qua. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2013 có 446 trang web TMĐT bán hàng và 344 trang web cung cấp dịch vụ TMĐT đã tiến hành đăng ký. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 185 có hiệu lực, số lượng cá nhân, DN tiến hành các thủ tục đăng ký, thông báo tăng đáng kể. Cụ thể, tính đến giữa tháng 3-2014 đã có 525 trang web cung cấp dịch vụ TMĐT và gần 3.000 web TMĐT bán hàng tiến hành các thủ tục đăng ký, thông báo với Bộ Công thương. Hiện Cục TMĐT và CNTT cũng đang phối hợp các cơ quan chức năng như: Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Cục Quản lý thị trường để phối hợp xử lý các hành vi vi phạm. Một số trường hợp đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra và làm rõ các hành vi vi phạm liên quan. Trên 200 phản ánh của người dân về các vi phạm của các trang web TMĐT cũng được xử lý và đăng tải công khai trên cổng www.online.gov.vn.

Khung pháp lý đã có. “Chiếc gậy” để xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT đã được đưa ra với mục đích tạo môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh. Song ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT vẫn đưa ra lời khuyên: NTD cần nâng cao nhận thức khi tham gia mua sắm online; nên tìm hiểu kỹ các thông tin về trang web, tìm hiểu về sản phẩm, giá cả, chất lượng và các chính sách bán hàng liên quan trước khi đặt lệnh giao dịch. Người dân, DN đề cao cảnh giác khi giao dịch và mua hàng trên trang web mà không cung cấp đầy đủ thông tin, các trang web bán hàng chưa thông báo với Bộ Công thương (danh sách các trang web đã thông báo có thể xem tại Cổng thông tin www.online.gov.vn).

Theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, danh sách các trang web bị phản ánh hoặc vi phạm sẽ được công bố trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn. Do vậy, khi phát hiện các hành vi vi phạm như: Thiết lập trang web TMĐT không theo quy định của pháp luật; vi phạm về giao kết hợp đồng; lừa đảo trong thanh toán; kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và một số các hành vi khác... người dân có thể gửi thông tin phản ánh tại địa chỉ trên. Việc cung cấp các thông tin về sai phạm trong lĩnh vực TMĐT sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để tiến hành kiểm tra, từ đó góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực này. Trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng công khai danh sách các trang web bị phản ánh và nội dung phản ánh.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết lại hoạt động thương mại điện tử: Chậm còn hơn không!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.