Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt việc tiếp nhận tài sản cho, biếu, tặng

Hà Phong| 05/04/2017 06:22

(HNM) - Ngày 4-4, tại nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng trong thời gian vừa qua không nhiều, nhưng có một số trường hợp đã bị lợi dụng, gây dư luận không tốt. Do đó, luật chỉ nên cho phép tiếp nhận các loại tài sản cho, biếu, tặng để phục vụ hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên dùng như xe chuyên dùng phục vụ cấp cứu, văn hóa xã hội, thể thao, nghiên cứu khoa học, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai. Nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ô tô và phương tiện làm việc cho cá nhân dưới hình thức cho, biếu, tặng.

Tham dự phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến ĐBQH, bám sát tiêu chuẩn chế độ để triển khai thực hiện quản lý tài sản cho, biếu, tặng, ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba tới đây.


Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Theo dự thảo mới nhất, Nhà nước có trách nhiệm trong trường hợp “ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”.

Khẳng định quy định này không sai, song đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) cảnh báo sẽ dẫn đến việc khó xử lý. Rất khó chứng minh mặt chủ quan của thẩm phán, hội thẩm là “biết rõ” hay “không biết rõ” bản án của mình là trái pháp luật. Thực tế cũng cho thấy, có trường hợp những hành vi của thẩm phán, hội thẩm có thể gây ra thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của đương sự do nguyên nhân chủ quan nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc chưa đến mức xử lý hình sự. Nếu không bồi thường, quyền lợi của đương sự không được bảo đảm. Bà Phạm Thị Thu Trang đề nghị, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt việc tiếp nhận tài sản cho, biếu, tặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.