(HNM) - Câu hỏi
Bốn yếu tố khiến rau không an toàn
Hiện nay, khi niềm tin vào chất lượng các loại rau, củ, quả được bày bán tại chợ hay siêu thị bị lung lay, nhiều gia đình đã tự trồng rau. Họ trồng trong những mảnh vườn nhỏ trong sân nhà, thậm chí ở ban công, mái nhà. Liệu những loại rau đó có sạch và bảo đảm các chỉ số về dinh dưỡng?
Về vấn đề này, GS.TS Trần Khắc Thi, chuyên gia rau quả (Viện Rau quả Hà Nội) cho biết: Trồng rau trên mái nhà là việc tốt, góp phần làm xanh thành phố và bổ sung lượng rau cần có cho gia đình. Tuy nhiên, lượng rau trung bình cần cho mỗi người/ngày là 300-400gram; cần có 3-5 loại rau khác nhau để bảo đảm cung cấp đủ chất khoáng, xơ và các vitamin cho con người mà chỉ rau xanh mới có. Nếu không chăm bón đủ dinh dưỡng thì chất lượng rau sẽ kém, nhưng nếu bón phân, nhất là bón đạm thì sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn cho rau.
Cũng theo GS.TS Trần Khắc Thi, rau an toàn là loại rau chứa hàm lượng nước cao từ 90% trở lên. Có 4 yếu tố về môi trường sinh trưởng (đất, nước, không khí và các nhân tố vi sinh vật hay chất hóa học được rau hấp thụ trong quá trình canh tác) có thể dẫn đến rau không an toàn. Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng nhiều, sử dụng không đúng cách, không tuân thủ quy định giãn cách về thời gian giữa lần phun cuối cùng và thời gian thu hoạch. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều phân vô cơ, đặc biệt là phân đạm sẽ làm tăng dư lượng nitrat tích lũy trong rau. Sử dụng nước tưới không sạch, đặc biệt là nước thải công nghiệp hay nước thải sinh hoạt có chứa kim loại nặng như thủy ngân, chì… thì chất độc sẽ tích lũy trong rau, gây hại cho người sử dụng. Mặt khác, các loại vi sinh vật như khuẩn Ecoli… bám dính trên rau trong quá trình canh tác cũng có thể gây bệnh nguy hiểm.
Trước những yếu tố khiến rau mất an toàn, người dân muốn tự bảo vệ mình thì nên tìm cách (sử dụng máy sục, biện pháp khử trùng…) loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu hay thuốc BVTV có trong rau. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, quá trình đào thải tồn dư thuốc phụ thuộc vào thời gian, quá trình sát trùng như ngâm nước muối, sục…, là điều mà người tiêu dùng cần chú ý. Quá trình này cũng giúp cho dư lượng thuốc BVTV có trong rau, củ, quả giảm đi. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng để có được sản phẩm tốt vẫn là siết chặt quy trình sản xuất rau an toàn.
Phải quản lý chặt
Đại diện nhóm P Farm - gồm những thanh niên trẻ là chủ trang trại sản xuất nông sản sạch cung ứng cho thị trường Hà Nội cho rằng, quy trình nhập rau ở các chợ tuân theo tiêu chí "rẻ - đẹp - nhiều", còn quy trình nhập rau của siêu thị là "an toàn - ngon". Đa số tiểu thương ở chợ thu mua rau trực tiếp tại ruộng với giá rất rẻ. Với các siêu thị lớn, hàng hóa muốn vào được thì phải qua rất nhiều thủ tục nên có giá cao. Bởi vậy, lượng rau không an toàn thường có ở chợ cóc, gánh hàng rong ngoài đường phố. Người thu nhập thấp không mấy khi vào siêu thị, chủ yếu mua ở chợ, ngoài đường.
Tuy vậy, nguy cơ rau không an toàn không chỉ có ở chợ cóc, hàng rong, sau khi xuất hiện câu chuyện "hô biến" rau bẩn thành rau sạch rồi tuồn vào siêu thị. Thực trạng đó cho thấy cần tăng cường giải pháp quản lý chất lượng rau, quả từ gốc, tức từ khâu trồng trọt. Ngoài ra, cần phải thực hiện giải pháp tuyên truyền để người dân biết chọn mua rau, quả an toàn ở đâu, qua đó khuyến khích, động viên cơ sở sản xuất an toàn tiếp tục làm ăn đúng quy định. Ông Nguyễn Văn Thuận nói: "Chúng tôi đã và đang phối hợp với ngành công thương để chỉ đạo và tổ chức triển khai việc kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm an toàn, xây dựng và phát triển nhiều chuỗi sản xuất rau an toàn, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hy vọng, với những sự hỗ trợ trên sẽ giúp cho người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm an toàn và người sản xuất, kinh doanh có chỗ đứng ổn định trên thị trường".
Nhìn tổng thể, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, người dân cần góp sức vào việc làm "lành mạnh hóa" thị trường sản xuất và tiêu dùng rau, củ, quả bằng cách chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ủng hộ các cửa hàng có uy tín. Cách tiêu dùng thông minh không chỉ giúp các hộ gia đình có được bữa ăn an toàn, mà còn hạn chế cơ hội tác oai, tác quái của những tổ chức, cá nhân luôn chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.