(HNM) - Siết chặt quản lý, xử lý triệt để vi phạm trong việc sử dụng bãi sông là yêu cầu đặt ra, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của nhiều cấp, ngành, địa phương.
Dù không có giấy phép nhưng nhiều bãi chứa trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn ngang nhiên hoạt động. |
173 bãi chứa không phép
Tận mắt chứng kiến chúng tôi mới hiểu vì sao 200 hộ dân ở thôn Cẩm Đình, xã Cẩm Đình (Phúc Thọ) bức xúc như vậy: Con đường chạy qua làng luôn ngập ngụa cát, bụi phủ trắng tán cây, mái nhà, len lỏi vào cả thức ăn, nước uống. Đêm xuống, người già bị mất ngủ, trẻ em liên tục giật mình vì những tiếng động từ bãi sông dội vào. Không chịu được, nhiều người đã phải tìm nơi ở khác. "Thủ phạm" gây ra tình trạng này là hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cát sỏi ở bãi sông Hồng.
Hiện trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 6 bãi chứa cát sỏi thuộc xã Sen Chiểu, Phương Độ, Cẩm Đình, Vân Phúc và đều không có giấy phép. Còn trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 14/16 bãi chứa không có giấy phép hoạt động, thuộc xã Đường Lâm, phường Phú Thịnh, Lê Lợi. Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đề nghị các xã, phường và huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây xử lý nghiêm các bãi chứa này nhưng đến nay... "nguyễn y vân".
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các bãi chứa ven sông chưa bị xử lý là do chính quyền cơ sở cho thuê thầu. Một số địa phương viện lý do bãi chứa phù hợp quy hoạch của thành phố, chủ bãi đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nên chưa quyết liệt xử lý…
Không chỉ ở huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây, ở nhiều huyện khác cũng có tình trạng tương tự. Hiện toàn thành phố có 226 tổ chức, cá nhân sử dụng 240ha đất bãi ven sông làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng nhưng chỉ có 53 bãi chứa có thủ tục pháp lý về đất với diện tích 92ha. Còn lại 173 bãi chứa đang hoạt động trái phép, với tổng diện tích 148ha.
Vi phạm nghiêm trọng như vậy nhưng việc xử lý vi phạm rất chậm và thiếu quyết liệt. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng từ đầu năm đến nay, các quận, huyện, thị xã mới đôn đốc tự giải tỏa và cưỡng chế giải tỏa được 80 bãi chứa. Trong đó, những địa phương nghiêm túc triển khai là Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Thường Tín… Các đơn vị này đã đôn đốc chủ bãi tự giải tỏa và có kế hoạch chỉ đạo cưỡng chế giải tỏa hoạt động bãi chứa trái phép. Bên cạnh đó, một số địa phương tuy có nhiều bãi chứa trái phép nhưng chưa tích cực, chủ động đôn đốc, chỉ đạo xử lý vi phạm như Long Biên, Gia Lâm, Sơn Tây, Đan Phượng...
Cần giải pháp đồng bộ
Do không có cam kết đánh giá tác động môi trường, thực hiện nghĩa vụ tài chính, thỏa thuận vị trí bảo đảm an toàn công trình đê điều… nên nhiều bãi chứa gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa an toàn hệ thống phòng, chống lũ lụt, thất thoát ngân sách nhà nước… Để quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai, khoáng sản, bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi… Sở NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường cho rằng trách nhiệm chính thuộc các quận, huyện, thị xã. Nếu các địa phương kiên quyết cưỡng chế giải tỏa, xem xét xử lý nghiêm túc trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã theo đúng chỉ đạo của thành phố thì tình hình vi phạm mới giảm.
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với các chủ bãi chấp hành việc tự giải tỏa, dừng hoạt động, nếu vị trí phù hợp với quy hoạch và có nhu cầu sử dụng đất làm bãi chứa thì lập thủ tục thuê đất theo quy định. Các huyện cần xem xét, đưa vào danh sách những trường hợp này để cấp, ngành liên quan chấp thuận chủ trương cho thuê đất bãi chứa theo thời hạn hàng năm. Đối với diện tích đất bãi ven sông sau khi cưỡng chế giải tỏa hoặc chưa có nhà đầu tư, phù hợp với quy hoạch bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, các huyện cần đưa vào đấu giá quyền thuê đất theo quy định. Bên cạnh giải pháp trên, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn. Đối với những địa phương có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bãi chứa thì lập hồ sơ đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bãi chứa.
Ngoài giải pháp trên, Sở Giao thông - Vận tải cần tăng cường quản lý phương tiện đường thủy hoạt động trên địa bàn, xử lý nghiêm hoạt động bến thủy nội địa trái phép, kịp thời ngăn chặn việc đưa vật liệu xây dựng lên bãi chứa hoạt động trái phép. Sở Công Thương cần kiểm tra và xử lý nghiêm việc kinh doanh tàng trữ cát đen không rõ nguồn gốc của các chủ bãi hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông… Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở liên quan cần đơn giản thủ tục hành chính trong cấp giấy phép, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông đúng quy định của pháp luật. Theo phản ánh của chính quyền cơ sở và người dân quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên, Ba Vì… thủ tục hành chính quá nhiều, thời gian quá dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.