(HNM) - Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng tình trạng ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) vẫn chưa lắng xuống khi thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận thêm số ca cấp cứu và tử vong. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên thị trường.
Quản lý cồn công nghiệp chưa chặt
Trong tháng 10 và đầu tháng 11-2020, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 2 vụ ngộ độc rượu methanol với ít nhất 7 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong, 1 người bị tổn thương mắt và não. Tất cả các trường hợp này được xác định có liên quan tới sản phẩm mang tên “Rượu Nếp”, “Hầm Rượu Việt” của cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa có địa chỉ ghi trên nhãn mác ở phố Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên).
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, quá trình làm việc với tất cả các bên liên quan - các cơ quan chuyên môn và quản lý, cộng với các bằng chứng khoa học cho thấy, với cách nấu rượu truyền thống, lên men và ủ, chưng cất rượu truyền thống từ ngũ cốc không bao giờ gây ngộ độc methanol. Sản phẩm có nồng độ methanol cao ở “Rượu Nếp” và “Hầm Rượu Việt” chỉ có từ quá trình pha cồn công nghiệp và đóng chai thành sản phẩm rượu rởm. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, đây là sản phẩm có tên và nhãn mác, có đăng ký và cơ sở sản xuất rất rõ nên dễ gây hiểu nhầm và đánh lừa người tiêu dùng. “Người tiêu dùng thường dựa trên tiêu chí “sản phẩm có tên, thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” để lựa chọn sản phẩm. Với sản phẩm rượu trên, nhãn mác đó có đúng hay không chỉ cơ quan chức năng kiểm tra mới biết”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Đề cập đến vấn đề quản lý rượu rởm được pha chế từ cồn công nghiệp, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, việc quản lý hóa chất cồn công nghiệp của chúng ta hiện nay chưa chặt chẽ. Cồn công nghiệp methanol không phải do người dân làm ra mà từ nhập khẩu, từ sản xuất phục vụ cho các mục đích hoàn toàn không phải để uống hay sát trùng. Tuy nhiên, hóa chất này đã bị “tuồn ra ngoài”, vào tay kẻ xấu. Sau đó, họ sử dụng hóa chất này để pha chế các loại rượu rởm, các loại cồn sát trùng rởm gây ngộ độc cho người tiêu dùng và nguy hiểm cho cả hệ thống y tế.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, ở Việt Nam, ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống rượu rởm khiến người uống không biết là uống phải rượu độc. Bởi vì lúc đầu khi uống loại rượu này cũng gây say giống như rượu uống thông thường. Thậm chí, ngộ độc rượu methanol lại có biểu hiện chậm và âm thầm. Do đó, phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt và tỷ lệ tử vong từ 30% đến 50% mặc dù được cứu chữa. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt…
Tăng kiểm tra đột xuất và hậu kiểm
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), những năm qua, nước ta có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho nền kinh tế, việc lạm dụng rượu, bia, vấn đề chất lượng, an toàn và những hệ lụy của nó đã và đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng như: Ngộ độc rượu, các tổn hại về sức khỏe, tâm thần, tính mạng người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông… Riêng các vụ ngộ độc rượu xảy ra đều do lạm dụng rượu, uống rượu không rõ nguồn gốc, tự ngâm động vật, thực vật có chứa độc tố, do gian lận trong nguyên liệu pha chế rượu, đặc biệt là tình trạng sử dụng methanol làm tăng độ cồn trong rượu.
Để giảm thiểu các vụ ngộ độc rượu, thời gian qua, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát các loại rượu trôi nổi, không được chứng nhận an toàn…
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) mong muốn, các cơ quan chức năng cần có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp. Từ đó, ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay.
Từ nay đến cuối năm, trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu và cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên thị trường.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa các loại rượu rởm, rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý các cá nhân, các cơ sở vi phạm. Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ cung cấp thông tin về các vụ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo với người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, cần hạn chế lạm dụng rượu, bia để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Ngộ độc rượu được pha chế từ cồn công nghiệp (methanol) thường có biểu hiện chậm và âm thầm. Do đó, phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt và tỷ lệ tử vong từ 30% đến 50% mặc dù được cứu chữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.