(HNMO) - Trước thực trạng thị trường phân bón giả, phân bón kém chất lượng lộng hành làm giảm sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính, hủy hoại môi trường gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra lúng túng trong việc quản lý và xử phạt…
Hiệp hội Phân bón cho biết cả nước có 800 cơ sở sản xuất phân bón đa số là các công ty nhỏ, không có phòng thí nghiệm. Còn theo báo cáo của Bộ NN&PTNT thì hiện nay có khoảng 500 DN được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trong lĩnh vực phân bón với khoảng 7.000 tên loại phân bón khác đây thực sự là một ma trận cho người sử dụng, các loại phân bón hầu như không khác nhau về chất lượng mà chỉ ở bao bì, nhãn mác, tên gọi của sản phẩm.
Mặc dù nhà nước đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn việc quản lý phân bón của Bộ NN & PTNT, Bộ Công thương nhưng tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn hoành hành gây thiệt hại lớn và ngày càng tinh vi phức tạp. Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết: Việc quy trách nhiệm phân bón giả còn nhiều kẽ hỡ như chất lượng kém 30% mới được coi kém chất lượng trong khi đó các nước chỉ được sai số 10%. Các khái niệm trong các thông tư, nghị định về quản lý phân bón đều khó hiểu, nội dung không minh bạch nên mỗi đơn vị hiểu theo một cách khác nhau. Một mảng tối khác của thị trường phân bón cũng nghiêm trọng không kém việc sản xuất phân bón giả kém chất lượng là hiện các DN quảng cáo sai sự thật, tâng bốc chất lượng để đánh lừa nông dân khiến nông dân hoang mang và khó lựa chọn. Tất cả xuất phát từ việc quản lý bất cập, cơ chế xử phạt quá nhẹ và thấp. Một mặt hàng phân bón, hai bộ chia nhau quản lý là không nên, ông Cường nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến bức xúc với một loạt các vụ việc phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng không được giải quyết thỏa đáng như: Vụ việc của Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK là 53% nhưng kiểm định chỉ có 7,2%. Công ty Đông Hải (Đà Nẵng) đăng ký dinh dưỡng 53% nhưng thực tế chỉ có gần 3%.... Công ty CP Đầu tư khoa học và Công nghệ Việt Pháp Hà Nội bị cơ quan chức năng phát hiện 600 tấn phân bón NPK giả mạo in tên các công ty phân bón uy tín như Bình Điền, Phú Mỹ, Lâm Thao, Cà Mau... trong khi hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 1,9% còn lại đá và vôi. Hay vụ việc của Công ty CP Thuận Phong có 19/29 mẫu phân bón kém chất lượng, phân bón giả nhưng thật trớ trêu vụ việc chưa được làm rõ thì cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai làm theo luật riêng coi thường phép nước đã cho dỡ niêm phong và tha xử phạt hành chính cho đơn vị này....
Cần đưa về một mối
Tại hội thảo, ông Bùi Minh Tiến Tổng giám đốc Công ty đạm Cà Mau than phiền: Với một thị trường phân bón nhiễu loạn như hiện nay làm khó các DN làm ăn lớn, đầu tư công nghệ dây truyền hiện đại, nghịch lý cá bé nuốt cá lớn và DN lớn thua trên sân nhà ngày càng hiện hữu bởi các DN làm ăn chân chính, chất lượng tốt thì không thể chiết khấu cao cho các đại lý trong khi các DN, cơ sở làm ăn bất minh sẵn sàng chi hoa hồng cao.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia về phân bón đưa ra giải pháp: Nhà nước cần giao cho một đơn vị đủ năng lực xây dựng các quy chuẩn quốc gia cho mỗi loại phân bón. Và khi đã xây dựng chuẩn rồi không cần tổ chức khảo nghiệm gây tốn kém, lãng phí thời gian tiền bạc cho DN và nông dân. Cần sớm có pháp lệnh phân bón tiến tới Luật phân bón bởi vì xử phạt vài trăm triệu nhưng DN lời hàng trăm tỷ đồng thì DN sẵn sàng chịu phạt rồi tiếp tục làm ăn bát nháo. Hậu quả thì nông dân và nhà nước thiệt hại nặng nề.
Trước thực trạng thị trường phân bón giả tràn lan nhức nhối gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường, không có khả năng cạnh tranh không lành mạnh nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm chính, dẫn tới quả bóng lăn qua lăn lại, không quy định được trách nhiệm của các đơn vị. Ông Nguyễn Hạc Thúy Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị: Cần phải tổ chức quản lý phân bón cấp nhà nước chỉ cần để một Bộ quản lý, tránh 2 bộ “cha chung không ai khóc” như hiện nay. Trong khi chờ thay đổi ở cấp tỉnh thành phố cần tổ chức ban kiểm tra liên nghành gồm Sở Công thương và NN &PTNT, thành một ban, thống nhất một quy chế, một tiêu chí để tiện việc kiểm tra các cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón vô cơ và hữu cơ mà không bị coi chồng chéo và lấn sân.
Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết: Phải có quy định rõ ràng về nhãn mác, nên có định dạng chung cho mỗi loại phân bón, cơ quan chức năng phải làm chặt ngay từ khâu nhãn mác để không làm khó cho nông dân. Nếu đơn vị nào quảng cáo sai sự thật, nhập nhèm xuất xứ nhập khẩu Mỹ, Hà Lan… phải xử lý nặng, thậm chí không cần kiểm định gây tốn kém mà có thể xử lý ngay vi phạm và công bố rộng rãi công khai. Cần sớm thành lập địa chỉ chính thống để công bố tên các DN, cơ sở sản xuất phân bón giả kém chất lượng kèm theo hình ảnh, thông tin chi tiết từng sản phẩm để nông dân, đại lý cung ứng nắm rõ và có sự lựa chọn đúng, tránh bị lừa.
Cung quan điểm, Tổng giám đốc Công ty đạm Cà Mau Bùi Minh Tiến cho rằng: Đi đôi với kiểm tra xử phạt cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, cân nhắc kỹ khi lựa chọn sản phẩm ngay cả khi mua phân bón trả chậm. Cơ quan quản lý nhà nước không thể để có quá nhiều cơ sở sản xuất phân bón như hiện nay, làm nhiễu loạn thị trường mà cần quy về một mối để dễ quản lý và cấp phép, cũng như công bố vi phạm. Ông Trần Quốc Khánh thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cũng kiến nghị cần phải rà soát kiểm tra các đơn vị kiểm nghiệm phân bón và đưa công tác quản lý phân bón về một mối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.