Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý, không để dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng

Hương Ly| 26/05/2020 19:04

(HNMO) - Tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 26-5 về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), việc nên cấm hay không cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê đã làm “nóng” phiên họp khi các đại biểu Quốc hội nêu nhiều lý lẽ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình.

Tuy nhiên, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, phải có những biện pháp siết chặt quản lý, không để dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng, khiến các băng nhóm “xã hội đen” núp bóng hoạt động, đe dọa sự bình yên của người dân.

Đòi nợ thuê biến tướng thành cưỡng đoạt tài sản

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện có hai luồng ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ", vì đây là vấn đề thị trường. Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, dẫn tới nhiều hệ lụy.

Tán thành phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) đã dẫn số liệu tính đến tháng 8-2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký.

“Quá trình kinh doanh cho thấy, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ thủ tục đầu tư kinh doanh và quy định pháp luật, làm phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực. Vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố, gây hoang mang cho con nợ. Thậm chí, nhiều nơi xuất hiện biến tướng thành lập băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Phương Hoa, cần thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp đòi nợ thuê hoạt động đúng pháp luật, mức thuế đóng góp của những công ty này là bao nhiêu và có bao nhiêu vụ phạm pháp liên quan đến hành vi đòi nợ thuê gây ra.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, bởi loại hình này đã biến tướng, gây bức xúc cho xã hội. Đại biểu cũng đề xuất phải đánh giá tác động chính sách, nghiên cứu bổ sung, hỗ trợ khi dịch vụ này chấm dứt hoạt động.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) cũng cho rằng, các công ty hoạt động đòi nợ thuê chính là “cái bóng” hợp pháp cho tín dụng đen cư trú. Trong khi đó, Nhà nước cấm hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Để giải quyết căn cơ, đại biểu đề xuất, cùng với việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê, nên đổi mới hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng theo hướng rút ngắn thủ tục thẩm định với người dân có hoàn cảnh khó khăn và xử lý nghiêm những cá nhân trục lợi quy định này để gây nợ xấu.

Cần quy định chặt chẽ hơn

Ở luồng ý kiến trái chiều, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) ủng hộ phương án cho phép loại hình kinh doanh đòi nợ thuê hoạt động và đổi tên thành kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ. Theo đại biểu, việc cấm loại hình này hoạt động là hợp lý nhưng chưa thỏa đáng. Bởi nếu Nhà nước cấm mà xã hội có nhu cầu thì ngành nghề đó vẫn tồn tại hoặc biến tướng trá hình, khó quản lý.

“Tuy nhiên, phải có quy định chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn để quản lý; đồng thời quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện hành vi thu hồi nợ kiểu “xã hội đen” và xử lý nghiêm minh”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Chung quan điểm, đại biểu Mai Hồng Hải (Đoàn thành phố Hải Phòng) cũng cho rằng, không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Theo đại biểu, pháp luật có nhiều quy định khác nhau về xử lý nợ, như: Khởi kiện ra tòa, mời trọng tài kinh tế, mua bán nợ…, tuy nhiên, thủ tục khá phức tạp, hiệu quả không cao. "Thậm chí, khi bản án có hiệu lực, việc thi hành án cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, người dân tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả", đại biểu Mai Hồng Hải nhấn mạnh.

Tham gia tranh luận về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khi xem xét 2 phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, thì cả hai đều rất khả thi, nhưng qua tham khảo luật của một số quốc gia như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc thì không nên cấm dịch vụ này.

Ủng hộ phương án vẫn để kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị đổi tên, như một số quốc gia thường gọi là dịch vụ thu nợ hộ, đồng thời, quy định chặt chẽ các điều kiện để hoạt động này phát triển đúng hướng. Đơn cử, tại Thái Lan, Mỹ đã quy định rõ ràng thời gian doanh nghiệp được gọi điện cho khách hàng hay không được tiếp cận người thân, hàng xóm của người đang nợ tiền…

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng thời bày tỏ mong muốn các đại biểu sẽ ủng hộ phương án 1 (cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ) nhằm tránh để hoạt động thu hồi nợ bị biến tướng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ một số vấn đề liên quan đến kinh doanh có điều kiện và ưu đãi đầu tư.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 19 đại biểu nêu ý kiến, 4 đại biểu tranh luận, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Các cơ quan hữu quan sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý, không để dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.