(HNM) - Chiều 17-12, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo kết quả thanh tra ban đầu vụ nhân viên y tế tại Khoa Vi sinh y học của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cắt đôi que thử HIV và viêm gan B. Sự việc đã khiến dư luận hết sức bức xúc, bởi kết quả xét nghiệm sai lệch sẽ ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, điều trị bệnh. Siết chặt quản lý hoạt động xét nghiệm là những gì mà ngành Y tế phải khẩn trương triển khai để không lặp lại những hành vi tương tự.
Hậu quả khôn lường khi xét nghiệm sai…
Xét nghiệm y khoa có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá tình trạng, tiên lượng bệnh. PGS.TS, Nhà giáo nhân dân Phạm Thiện Ngọc, Cố vấn cao cấp của Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa sinh Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Sinh hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có khoảng 60%-70% quyết định lâm sàng dựa trên kết quả xét nghiệm. Vì vậy, yêu cầu về một kết quả xét nghiệm chính xác là việc làm rất cần thiết và không được phép chủ quan. Để làm được điều đó, đòi hỏi các yếu tố như: Trang thiết bị, hóa chất và người làm xét nghiệm phải đạt tiêu chuẩn, tuân thủ đúng, đủ các công đoạn và quy trình xét nghiệm.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, muốn có kết quả xét nghiệm chính xác, trước hết phải tuân thủ đúng hướng dẫn, quy định. Việc nhân viên y tế tại Khoa Vi sinh y học cắt đôi que xét nghiệm HIV, viêm gan B là không đúng quy định chuyên môn, chắc chắn sẽ không bảo đảm cho ra một kết quả xét nghiệm chính xác. Nguy hiểm hơn, có thể có những bệnh nhân nhiễm HIV hoặc viêm gan B đã bị bỏ lọt. Họ không chỉ mất đi cơ hội điều trị kịp thời, mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, có những bệnh như đái tháo đường, bệnh thận, kết quả xét nghiệm đóng vai trò chính để quyết định cho việc chẩn đoán và điều trị. Nếu để xảy ra sai sót trong quá trình xét nghiệm có thể dẫn đến chẩn đoán sai, điều trị sai, bệnh không khỏi mà nặng thêm, nguy hiểm tới tính mạng...
“Đơn cử như với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, nếu kết quả xét nghiệm không chuẩn xác, chỉ số đường huyết thấp, người bệnh bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm. Đến khi có các biến chứng tim mạch, hoại tử bàn chân… mới biết mình bị bệnh thì đã quá muộn”, ông Nguyễn Minh Đức dẫn chứng.
Cách đây 2 năm, Bộ Y tế đã triển khai liên thông kết quả xét nghiệm với mục tiêu tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, vì lo ngại chất lượng xét nghiệm, nên các bệnh viện không công nhận kết quả của nhau, nhất là với các bệnh viện khác tuyến. Tại Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, trung bình mỗi ngày tiến hành từ 200 đến 300 xét nghiệm.
Ông Nguyễn Minh Đức cho biết, bệnh viện chỉ công nhận một số kết quả xét nghiệm của bệnh viện tuyến trung ương hoặc bệnh viện hạng tương đương tuyến thành phố và hạn chế sử dụng kết quả xét nghiệm của bệnh nhân ở tuyến dưới chuyển lên.
Ngay sau sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nhiều người dân cũng hoài nghi về chất lượng xét nghiệm. Anh Vũ Hồng Đ. (48 tuổi ở tổ 19, phường Thượng Thanh, quận Long Biên) cho hay, sau khi được chẩn đoán u phổi tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, anh đã làm lại xét nghiệm ở Bệnh viện Phổi trung ương…
Tăng cường kiểm tra quy trình xét nghiệm
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm các bệnh viện thực hiện khoảng 475 triệu xét nghiệm. Con số này tăng khoảng 10% mỗi năm. Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều quy định, hướng dẫn về quy trình xét nghiệm. Thế nhưng, sai phạm xảy ra đã cho thấy, còn tồn tại những khoảng trống trong công tác giám sát, phát hiện sai sót tại các cơ sở y tế.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho rằng: “Để hạn chế kết quả sai lệch, các phòng xét nghiệm phải thường xuyên được kiểm tra, giám sát, vì sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn”.
Còn theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để xảy ra những tồn tại, vi phạm trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Khoa Vi sinh y học và lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Từ sự việc này, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện trong và ngoài công lập phải tăng cường quản lý nội bộ, thông qua thiết lập hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm, duy trì kiểm tra, kiểm soát quy trình cấp phát và sử dụng hóa chất, vật tư tiêu hao tại Khoa Dược, Phòng Vật tư, Khoa Xét nghiệm, Khoa Khám bệnh; quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Những trường hợp gian lận, làm thất thoát hóa chất, vật tư phải bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.