Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý chợ thực phẩm online

Trang Ngân| 17/07/2021 06:29

(HNM) - Dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi phương thức mua hàng của nhiều người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến (online). Đặc biệt, trong thời điểm thành phố yêu cầu tạm dừng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại chỗ, hạn chế ra đường khi không cần thiết... nhằm phòng, chống dịch thì nhu cầu mua sắm thực phẩm online càng trở nên sôi động.

Hình thức mua bán online thuận tiện cho cả người bán và người mua trong mùa Covid-19, nhưng việc quản lý chợ thực phẩm online vẫn đang bị bỏ ngỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người tiêu dùng, đòi hỏi cần sớm siết chặt.

Người dân nên mua hàng tại các trang thương mại điện tử uy tín để bảo đảm an toàn, sức khỏe. Ảnh: Đỗ Tâm

Nở rộ chợ thực phẩm bán trên mạng

Việc dễ dàng đăng ký một tài khoản và đăng tải, trao đổi thông tin trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) đã khiến nơi đây trở thành kênh kinh doanh, buôn bán thực phẩm sôi động của nhiều người. Đủ các sản phẩm, hàng hóa đa dạng chủng loại được rao bán từ hoa quả, bánh kẹo, đến thịt gia súc, gia cầm tươi sống hay chế biến sẵn...

Chị Trương Vân Anh (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) sở hữu trang fanpage cá nhân “Chợ quê” cho biết, trước đây chị chỉ bán thực phẩm tươi sống do người thân tự nuôi, trồng từ quê gửi lên. Nhưng nhận thấy nhiều người có nhu cầu dùng thực phẩm chế biến sẵn nên chị làm các món ăn, như: Nem rán, giả cầy, cá kho, xúc xích, muối vừng… để bán.

Cùng với việc hình thành các khu chung cư cao tầng với số lượng dân cư đông đúc, mô hình chợ dân cư online đã xuất hiện ở hầu hết các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội như: Bếp Hapu, chợ cộng đồng khu Trung Hòa - Nhân Chính, chợ dân cư Đại Thanh - Xa La, nơi mua sắm của người dân Ecohome… với số lượng thành viên tham gia rất đông. Đủ các lời mời chào, rao bán hấp dẫn, nào là: Thực phẩm tươi sống ngon, bổ, rẻ, không sử dụng chất bảo quản; sản phẩm nhà tự trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... nhưng sản phẩm có được chứng nhận an toàn thực phẩm hay không thì rất ít trường hợp người bán có bằng chứng chứng minh. Người mua hàng thì dễ dãi, tin tưởng “hàng xóm”, bạn bè và sự tiện lợi của việc giao hàng tận nhà nên dễ dàng bỏ qua yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

Chị Ngô Thu Lan (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, gọi đồ ăn của người quen gần nhà rất thuận tiện, gần đến giờ ăn, thức ăn được đưa đến nóng hổi, không phải hâm nóng lại. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp rủi ro khi gặp thức ăn kém chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Ân (chung cư Goldmark City, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, một lần tiện đường, chị tự qua nhà người bán lấy thức ăn thay vì nhận giao hàng tận nhà như thường lệ thì nhìn thấy gian bếp bừa bộn đồ đạc cùng xoong, chảo… cáu bẩn, chị Ân lo lắng và từ đó chấm dứt việc mua đồ ăn sẵn online.

Cơ quan chức năng, ngày 2-7, đã xử phạt hành chính 4 triệu đồng đối với một nhà hàng Pizza (vừa bán hàng trực tiếp, vừa bán hàng online) trên địa bàn quận Đống Đa do khu vực bếp có côn trùng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Trên thực tế, bên cạnh các nhà hàng, cơ sở kinh doanh đồ ăn uống có đăng ký kinh doanh, có chứng nhận an toàn thực phẩm mở bán online nhằm vừa chấp hành yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động, thì đại đa số địa chỉ bán hàng online nhỏ lẻ theo kiểu gia đình đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng tự cam kết nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều không tránh khỏi.

Trước thực trạng chợ online nở rộ, chất lượng nông sản, thực phẩm không bảo đảm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý thực phẩm “bẩn” ở mức cao nhất. Chỉ trong tháng 7 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đã bốc mùi hôi thối. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo tới những người tiêu dùng có thói quen mua hàng online không để ý đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa, đồ ăn uống mình đặt mua.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, cùng với trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, xử lý vi phạm, thành phố sẽ tập trung vào giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh từ khâu xác định nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bảo quản trong quá trình lưu thông, đến công bố tiêu chuẩn chất lượng…

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong lưu ý, theo quy định, thực phẩm phải có đầy đủ thông tin về tên, địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Ngoài ra, sản phẩm phải được chế biến vệ sinh, bảo đảm không gây ngộ độc, nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc bán hàng thực phẩm tươi sống hay đồ ăn sẵn online thường mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu dựa trên lòng tin giữa người mua và người bán. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm để chọn lựa những thực phẩm bảo đảm sức khỏe của chính mình và người thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý chợ thực phẩm online

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.