(HNM) - Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 500 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình và nước dùng liền được quản lý và cấp phép hoạt động. Vậy, công tác quản lý những cơ sở sản xuất này được triển khai như thế nào để bảo đảm an toàn cho người sử dụng? Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội.
- Sản phẩm nước uống đóng bình, đóng chai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ông có thể cho biết, trong năm 2020, công tác quản lý các cơ sở sản xuất sản phẩm này đã được triển khai như thế nào?
- Để quản lý các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với phòng y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, thẩm định thường xuyên việc thực hiện của các cơ sở có bảo đảm hay không. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các quy định, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở, đồng thời phân cấp và phân công việc thanh tra, kiểm tra cho các quận, huyện, thị xã. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố đã tổ chức tổng kiểm tra được 2 đợt các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình, trong đó, Sở Y tế Hà Nội giao cho các quận, huyện, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra được 3/4 số cơ sở. Còn lại 1/4 số cơ sở do các đoàn kiểm tra của thành phố trực tiếp kiểm tra.
- Qua công tác thanh tra, kiểm tra, ông có những lưu ý gì với cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình?
- Qua kiểm tra 78 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai do cấp thành phố quản lý có 11 cơ sở vẫn còn vi phạm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm như vấn đề nhãn mác không đúng quy định. Ngoài ra, kho bảo quản sản phẩm thành phẩm không bảo đảm, dây chuyền tách chiết nước đóng bình cũng như bật đèn UV (khử trùng bằng tia cực tím) tiêu diệt vi khuẩn chưa bảo đảm; người sản xuất trực tiếp chưa thực hiện đúng quy chuẩn về vệ sinh môi trường và vệ sinh, an toàn thực phẩm… Kết quả, có 11/78 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền gần 490 triệu đồng.
- Vậy, theo ông, các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm nào mà các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình cần tuân thủ nghiêm ngặt hơn để bảo đảm cho ra thị trường sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng?
- Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có cơ sở có giai đoạn phải ngừng nghỉ, công nhân bỏ việc về nhà, do đó, việc thực hành vệ sinh cũng như tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ của người sản xuất cũng chưa thực hiện đúng quy định. Thêm vào đó, quá trình đóng chai, sang chiết vẫn theo hình thức bán thủ công, công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nếu trang bị bảo hộ lao động và vệ sinh bàn tay không tốt sẽ dẫn đến chất lượng nguồn nước khó bảo đảm như mong muốn. Do đó, các cơ sở sản xuất phải luôn tự kiểm tra quy trình sản xuất của mình theo quy chuẩn, điều kiện được cơ quan quản lý phân cấp, cấp giấy chứng nhận.
- Với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình bảo đảm yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm cần tuân thủ tuyệt đối những quy định bắt buộc nào, thưa ông?
- Dây chuyền sản xuất phải bảo đảm một chiều, phân khu rõ ràng. Dù hiện nay, các cơ sở sử dụng hệ thống lọc kín RO nhưng phải lưu tâm đến quy định này. Tiếp đến lưu ý thực hiện nghiêm quy trình phòng chiết đóng bình phải kín, vận hành đèn UV phải thường xuyên, đúng thời gian để nguồn nước được bảo đảm. Mặt khác, trong quá trình sản xuất phải bảo hành vận hành thẩm thấu ngược của hệ thống lọc RO để chất lượng nước bảo đảm quy chuẩn. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất cần ưu tiên, quan tâm lựa chọn nguồn nước đầu vào. Đối với những nơi có nguồn nước của nhà máy phải sử dụng tối đa nguồn nước nhà máy của thành phố cấp đưa vào sử dụng. Còn đối với nơi sử dụng nguồn nước giếng phải đặc biệt lưu ý sử dụng hệ thống lọc thô tốt và phải kiểm nghiệm định kỳ chất lượng nguồn nước bảo đảm trước khi đưa vào sản xuất.
Trong quá trình sản xuất, người sản xuất còn phải luôn tuân thủ các quy trình vệ sinh, an toàn thực phẩm, phải mặc đồ bảo hộ lao động, rửa tay và đội mũ để chống bụi trong phòng chiết. Qua kiểm tra cho thấy, có nơi nguồn nước sản xuất ra thì bảo đảm nhưng quá trình đóng chiết nước vào bình không bảo đảm dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm…
- Đối với người tiêu dùng, ông có lời khuyên gì khi chọn mua sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình?
- Khi mua một sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, người tiêu dùng cần kiểm tra về hình thể bên ngoài, vỏ bình phải còn mới, không bị bẩn, không bị móp, méo, dập, thủng… Ngoài ra, trên thân vỏ, người tiêu dùng nên quan sát kỹ tem nhãn có tuân thủ đúng quy định không, nhất là về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng, được cơ quan chức năng cấp công bố đạt chuẩn. Không chọn mua các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không có địa chỉ rõ ràng, không công bố chất lượng sản phẩm và không có giấy phép đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.