(HNM) - Ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học. Qua kiểm tra cho thấy, có những nơi thực hiện rất tốt, nhưng có nơi vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chiều 9-5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra bếp ăn của Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa). Qua kiểm tra đoàn kiểm tra đánh giá, bếp ăn đã được đầu tư khang trang, sạch sẽ. Đại diện nhà trường cho biết, bếp ăn bán trú đưa tiêu chí an toàn sức khỏe học đường cho học sinh lên hàng đầu. Chính vì vậy, từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, việc tổ chức nấu ăn rồi đến đầu ra của quy trình là từng suất ăn cho học sinh đều được nhà trường giám sát kỹ càng, cẩn trọng.
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra số 1 đã kiểm tra bếp ăn của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức). Theo báo cáo của nhà trường, trung bình mỗi ngày, bếp ăn này cung cấp khoảng 400 suất ăn bán trú. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận, bếp ăn rộng rãi, khang trang, sạch sẽ nhưng sắp xếp, bố trí khu bếp chưa khoa học. Ngoài ra, nhà trường chưa thực hiện việc giám sát bếp ăn hằng ngày, không có sổ theo dõi việc lưu mẫu thức ăn…
Trước đó, Đoàn kiểm tra số 1 cũng đã kiểm tra bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm). Đây là bếp ăn quy mô lớn, mỗi ngày phục vụ 1.400 học sinh bán trú. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã lấy 5 mẫu bát, khay đựng thức ăn để xét nghiệm nhanh và kết quả 5/5 mẫu đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra lưu ý, khu vực bếp cần phải tăng cường vệ sinh sàn bếp và có biển báo phân khu riêng biệt. Thêm vào đó, nhân viên bếp cần được tập huấn lại các quy trình thực hành vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 4.600 bếp ăn tập thể trường học. Qua công tác kiểm tra thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, hiện một số bếp ăn tập thể trường học vẫn còn tồn tại bất cập. Cụ thể là một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp; chưa vận hành theo nguyên tắc một chiều; kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng…
“Qua kiểm tra, khi phát hiện ra những tồn tại, chúng tôi cũng đã yêu cầu các nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn phải có biện pháp khắc phục ngay lập tức, đồng thời giao cho cơ quan chức năng địa phương giám sát. Đối với vấn đề an toàn thực phẩm tại trường học, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các nhà trường cần tăng cường giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào hằng ngày và tổ chức các đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các doanh nghiệp mà đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho trường”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Để học sinh có bữa ăn an toàn, bảo đảm đủ dinh dưỡng, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, không chỉ cần 1 khâu, 1 quy trình mà là sự kết hợp đồng bộ của một hệ thống trong cả quá trình. Từ khâu giao nhận thực phẩm đến chế biến, giám sát, vệ sinh, rửa bát, lên thực đơn... đều cần bảo đảm các yêu cầu của các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các trường, Sở Y tế đề nghị cần nêu cao vai trò của tổ tự giám sát. Cụ thể, đối với nguyên liệu thực phẩm đầu vào, phải có hồ sơ giao nhận, có biên bản ký giao nhận và có sự tham gia giám sát của ban phụ huynh học sinh nhằm bảo đảm tốt nhất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng liên quan cần đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, qua đó, từng bước siết chặt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú trường học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.