Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, thời gian qua, huyện Mê Linh yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về bảo đảm an toàn thực phẩm; tất cả các thực phẩm đưa vào phục vụ bếp ăn bán trú phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đến nay, trên địa bàn huyện Mê Linh có 51 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh (trong đó có 25 trường nấu ăn tại trường, 26 trường hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn).
Theo bà Hạ Thị Hương - Phó trưởng phòng Y tế huyện, trong những năm qua, huyện luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, nhất là công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học. Theo đó, hằng năm huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường học; chỉ đạo các nhà trường thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm và y tế học đường, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho các nhà trường; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các trường học.
Bên cạnh đó, hằng năm huyện đều tổ chức mở các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ, nhân viên y tế, nhân viên nuôi dưỡng, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm tại các trường. Các Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên kiểm tra chuyên đề an toàn thực phẩm tại các trường học có bếp ăn, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn, đơn vị cung cấp nguyên liệu thực phẩm, các cơ sở kinh doanh thực phẩm,...
Năm học 2024-2025, để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường học được duy trì và phát huy kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Khương cho biết, huyện yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học. Điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, đánh giá kiến thức, thực hành của người lãnh đạo quản lý, người tham gia chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, điều kiện an toàn thực phẩm xung quanh cổng trường học theo phân cấp.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, hậu kiểm, giám sát định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm nhanh, lấy mẫu thực phẩm giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm (khi cần thiết); đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm theo quy định. Có phương án xử lý, nghiêm cấm các điểm bán hàng trên vỉa hè, lòng lề đường, hàng rong trước cổng trường bảo đảm trật tự công cộng, mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo guyện tổng hợp các trường có nh cầu tổ chức cho học sinh ăn bán trú để tham mưu UBND huyện cho xây nhà ăn và phòng ăn phù hợp. Các nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng, số lượng suất ăn bảo đảm cân đối dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Các đơn vị cung cấp xuất ăn lựa chọn thực phẩm bảo đảm chất lượng, tuân thủ nghiêm quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm.
Ngoài ra, các nhà trường chủ động phối hợp với phòng Y tế, Trung tâm Y tế, phòng Giáo dục và Đào tạo các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho ban giám hiệu, người quản lý bếp ăn và nhân viên trực tiếp tham gia sơ chế chế biến tại bếp ăn tập thể trường học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.