Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý an toàn đường thủy nội địa

Tuấn Lương| 09/03/2022 06:29

(HNM) - Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 17 người chết tại biển Cửa Đại (Hội An, tỉnh Quảng Nam) cuối tháng 2-2022 tiếp tục là hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy, nhất là hoạt động vận chuyển khách du lịch. Siết chặt quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm... đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra với các bộ, ngành, địa phương.

Các cơ quan chức năng sẽ siết chặt quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa. Ảnh: Tuấn Khải

Tai nạn đường thủy thường rất nghiêm trọng

Vụ lật ca nô du lịch trên biển Cửa Đại (Hội An, tỉnh Quảng Nam) ngày 26-2 vừa qua đã thực sự gây chấn động dư luận xã hội khi cướp đi sinh mạng của 17 người. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Du lịch Phương Đông (đơn vị chủ tàu) lý giải nguyên nhân, tại khu vực gặp nạn có đường giao thoa giữa luồng nước nông và sâu nên thường xuất hiện 2 luồng sóng mạnh. Đúng vào thời điểm ca nô mang số hiệu QNa-1152 đi vào khu vực đó có sóng ngang lớn ập đến đẩy lật ca nô.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Lê Minh Đạo, trong chứng nhận đăng kiểm, ca nô QNa-1152 được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS (giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển). Đây là các thiết bị rất quan trọng trong tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện, nhưng vào thời điểm xảy ra tai nạn, ca nô này không bật thiết bị AIS nên trạm thu phát trên bờ không bắt được tín hiệu. Đài thu phát tín hiệu AIS của quốc gia cũng không ghi nhận tín hiệu của ca nô QNa-1152 từ năm 2020 đến nay.

Đây không phải là vụ tai nạn đường thủy cá biệt. Số vụ tai nạn trên đường thủy nội địa không nhiều như trên đường bộ nhưng thường rất thảm khốc. Trước đó, vào tháng 2-2021, tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng xảy ra 1 vụ chìm tàu du lịch khiến 12 người tử vong. Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chỉ tính riêng năm 2021, toàn quốc xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 35 người và bị thương 1 người. Tháng 1-2022 xảy ra 3 vụ làm 2 người chết; tháng 2-2022 xảy ra 4 vụ làm 2 người chết (chưa tính vụ chìm ca nô ở Quảng Nam).

Kiểm soát chặt điều kiện hoạt động

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lật ca nô ở Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương siết chặt quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa; tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm. Đồng thời, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, trong đó có các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường thủy nội địa; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Sau mỗi vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, các cơ quan, địa phương liên quan đều tăng cường kiểm tra, rà soát lại các phương tiện vận tải thủy. Nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong mỗi vụ tai nạn đều được điều tra, làm rõ. Song thực tế cho thấy, việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên.

Thành phố Hà Nội hiện có 25 bến thủy nội địa hành khách với hàng trăm phương tiện thủy hoạt động. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy luôn được thành phố thực hiện nghiêm túc. Thành phố yêu cầu, chủ các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, điểm vui chơi giải trí chấp hành nghiêm các quy định, tuyệt đối không hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ cứu sinh; không chở quá số người được phép; thuyền viên, người điều khiển phương tiện phải có bằng, giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp...

Tại bến đò khách Chương Dương (huyện Thường Tín), dù lượng khách qua bến vắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song chủ đò và khách đều chấp hành nghiêm túc các quy định. Ông Đỗ Doãn Chi, nhân viên tại bến cho biết, để bảo đảm an toàn, hành khách xuống đò đều được phát áo phao, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang. Trực tiếp kiểm tra đột xuất tại một loạt bến khách ngang sông trên địa bàn các huyện Thường Tín, Thanh Trì... những ngày qua, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông đường thủy (Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Bùi Ngọc Tân cho hay, các bến thủy nội địa trên địa bàn Hà Nội cơ bản chấp hành tốt các điều kiện an toàn. Có 4 trường hợp bị xử phạt với các lỗi: Không hướng dẫn hành khách sử dụng dụng cụ cứu sinh, thiếu bảng nội quy, bảng niêm yết giá vé theo quy định...

"Chúng tôi cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Với các bến khách ngang sông vi phạm nhiều lần, Đội sẽ kiến nghị Thanh tra Sở báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thu hồi giấy phép mở bến, đồng thời đình chỉ hoạt động chở khách đối với các bến cũng như phương tiện vi phạm”, ông Bùi Ngọc Tân nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý an toàn đường thủy nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.