(HNM) - Chuyến công du 3 ngày tới Mỹ của Tổng thống Pháp Francois Hollande (từ ngày 10 đến 13-2) được xem là
Kể từ sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Jacques Chirac năm 1996, đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Mỹ. Sự kiện này diễn ra khi quan hệ đồng minh lâu năm giữa hai quốc gia trong vài năm qua đã được hâm nóng trở lại sau gần một thập kỷ khá lạnh nhạt do Paris từ chối đưa lực lượng hỗ trợ cuộc tấn công quân sự của Washington năm 2003 vào Iraq.
Tổng thống Pháp F.Hollande (giữa) và vợ chồng Tổng thống Mỹ B.Obama tham dự bữa tiệc tại Nhà Trắng ngày 11-2. |
Lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống Pháp độc thân là thượng khách của Nhà Trắng. Để tương xứng với tính biểu tượng cao của chuyến thăm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành những nghi thức lễ tân cấp nhà nước ở mức độ cao nhất và hiếm có để tiếp đón ông F.Hollande. Như thế để thấy rằng, người đứng đầu nước Mỹ đã nhận thấy tầm quan trọng việc duy trì quan hệ với Châu Âu và Pháp trước sự biến đổi phức tạp của nền chính trị và kinh tế thế giới. Trên thực tế, Washington luôn xem sự hợp tác với các đồng minh bên kia Đại Tây Dương là vấn đề then chốt trong những vấn đề liên quan đến Iran hay Syria. Thế nhưng, người Mỹ thời gian qua lại không được hài lòng cho lắm với cách mà Châu Âu thể hiện thái độ trong những vấn đề quốc tế nóng bỏng này. Nhưng riêng ở đề tài này thì ông F.Hollande dường như đang ghi điểm với Washington, bởi Pháp chính là người bạn ở Cựu lục địa nhiệt tình nhất cho đến phút chót trong việc lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria. Giới chính trị xứ Cờ hoa, dù đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều hoan nghênh hành động của ông F.Hollande. Ngoài ra, thái độ cương quyết của ông này trong việc can thiệp vào Mali hay Cộng hòa Trung Phi nhằm ngăn chặn khủng bố cũng rất được tán thành ở Mỹ. Thái độ của điện Elysee khiến Nhà Trắng nhận thức được rằng Tổng thống Pháp vẫn sẽ là một đồng minh rất có ích với Mỹ ở Châu Âu. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi vào tháng 3 tới, Tổng thống B.Obama lần đầu tiên đến Brussels (Bỉ) trong cuộc họp thượng đỉnh với Liên minh Châu Âu (EU) và sẽ phải đối mặt với những vấn đề hóc búa. Trong đó có các vụ nghe trộm của tình báo Mỹ, Hiệp định tự do mậu dịch Mỹ-EU, vấn đề Ukraine... Nói một cách khác, đối với Mỹ, nước có ảnh hưởng quan trọng trong EU này đang đóng một vai trò ngoại giao mà Anh và Đức hiện không sẵn sàng gánh vác.
Đổi lại, trước việc phải chịu nhiều áp lực lớn trong việc cải thiện nền kinh tế và tạo việc làm, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống F.Hollande được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế đang trì trệ của nước này. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua và ông F.Hollande cũng trở thành tổng thống có chỉ số ủng hộ thấp nhất trong lịch sử nước Pháp (19%). Thế nên, trong cuộc hội đàm giữa hai tổng thống, bên cạnh những nội dung chính là các biện pháp củng cố quan hệ liên minh Mỹ - Pháp, phối hợp chính sách xử lý các điểm nóng của thế giới thì trọng tâm lớn nhất chính là các vấn đề kinh tế. Tổng thống Pháp đã kêu gọi hai bên đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU. Ông F.Hollande cũng sẽ đến San Francisco và gặp gỡ những nhà lãnh đạo công nghệ xuất chúng của nước Mỹ đến từ Google, Facebook, Twitter, Mozilla… để giới thiệu và thuyết phục họ đầu tư vào Pháp, nơi chính phủ của ông đang quảng bá rất mạnh việc xây dựng môi trường lý tưởng về công nghệ.
Sau vụ bê bối nghe lén làm tổn thương mối quan hệ giữa Mỹ và nhiều đối tác Châu Âu, chuyến công du tới Mỹ của Tổng thống F.Hollande đã thể hiện sự tin cậy lẫn nhau giữa Paris và Washington. Điều đó còn được hỗ trợ bởi thực tế là hai bờ Đại Tây Dương vẫn cần đến nhau để ứng phó với các thách thức địa chính trị toàn cầu mà hiện nay Cựu lục địa hầu như không đủ sức gánh vác, còn nước Mỹ thì cũng ngày càng tỏ ra mệt mỏi nếu phải hành động đơn phương. Với riêng Tổng thống F.Holllande, trong bối cảnh hình ảnh của ông đang xuống dốc trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây thì với chuyến công cán này, điện Elysee hy vọng tạo một sức bật mới và khẳng định "tầm vóc" của công dân số 1 nước Pháp trên chính trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.