Chiều 8-12, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 chủ trì cuộc họp về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công của 8 bộ, cơ quan trung ương và hai địa phương thuộc Tổ công tác số 1. Cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 bộ, cơ quan trung ương và hai địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là hơn 19.750 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn ước 11 tháng của năm 2022 của 10 đơn vị thuộc Tổ công tác số 1 còn thấp. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ: 52,01%; Tòa án nhân dân Tối cao: 47,85%; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: 29,98%; Bộ Công an: 25,59%; Bộ Ngoại giao: 18,16%; Bộ Tư pháp: 30,06%; Bộ Nội vụ: 50,78%; Ủy ban Dân tộc: 2,41%; tỉnh Quảng Bình: 54,98%; tỉnh Quảng Trị: 45,71%. Trong số 8 bộ, cơ quan trung ương và hai địa phương thuộc Tổ công tác số 1, có 3 bộ, cơ quan trung ương phấn đấu giải ngân hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ. Các đơn vị còn lại phấn đấu giải ngân năm 2022 đạt mức cao nhất.
Kết luận cuộc họp, cơ bản nhất trí với báo cáo và đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các đơn vị trong Tổ công tác số 1 cần siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, nêu cao vai trò người đứng đầu, lãnh đạo tất cả các cấp, bộ, ngành, địa phương; đồng thời rà soát thường xuyên công tác này ở tất cả các đơn vị. "Bộ nào có mức giải ngân tăng nhanh là do sự quyết liệt của người đứng đầu lãnh đạo đôn đốc, họp thường xuyên hằng tháng, rà soát, thúc đẩy vấn đề này, bởi đây là yêu cầu cấp bách hiện nay", Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án, tránh tình trạng xin dự án trước, sau đó mới triển khai công tác chuẩn bị, thể hiện rất rõ ở các dự án sử dụng vốn vay ODA. Về các biện pháp tháo gỡ, các tổ công tác đã làm việc và từng bước tháo gỡ các vướng mắc về thể chế đối với phân cấp, phân quyền trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công, điển hình là việc sửa đổi một số nghị định liên quan của Chính phủ. Về ý kiến đề xuất kéo dài nguồn vốn được phân bổ trong năm 2022 chưa thực hiện được sang năm 2023, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp nội dung này và báo cáo lại. Nếu đây là ý kiến chung của các đơn vị, cần đề xuất hướng giải quyết phù hợp như ra nghị quyết Chính phủ đối với vấn đề này...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.