(HNM) - Công khai minh bạch ở tất cả các khâu, các quy trình, các bộ phận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính từ thành phố xuống cơ sở; siết chặt kỷ cương công vụ để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.
Đây là yêu cầu đặt ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn Thủ đô, do UBND thành phố tổ chức ngày 15-3. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc dự hội nghị.
Chuyển biến cả về nhận thức, hành động
So với 5 năm trước, công tác PCTN trên địa bàn Hà Nội đã có bước tiến quan trọng cả về nhận thức và hành động. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng. Việc phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, báo chí, nhân dân trong PCTN được chú trọng hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng thẳng thắn đánh giá, công tác PCTN còn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy còn thấp.
Tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao về tham nhũng (Ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Thanh Hải |
Từ công tác tự kiểm tra nội bộ, 10 năm qua Hà Nội chỉ phát hiện 7 trường hợp vi phạm. Qua hơn 3.100 cuộc thanh tra, thành phố phát hiện sai phạm 2.542 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý trên 2.400ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 38 vụ. Theo các cơ quan chức năng thành phố, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ cao trong nhiều lĩnh vực như: Tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng; tài chính, thuế... Tính chất tham nhũng nghiêm trọng hơn, thủ đoạn tinh vi hơn. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, thực hiện chế độ, chính sách với người có công và tình trạng tham nhũng tại các quỹ tín dụng nhân dân đã gây bức xúc trong dư luận, quần chúng nhân dân.
Phó Giám đốc CATP Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất đã ảnh hưởng phần nào tới đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đáng lưu ý, trong quá trình điều tra ban đầu, khi vụ việc chưa được khởi tố, công tác thu thập hồ sơ, tài liệu gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các ngân hàng yêu cầu phải có văn bản đề nghị do cấp có thẩm quyền ký kèm theo quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can mới cung cấp tài liệu liên quan. Với đối tượng có dấu hiệu tham nhũng là đảng viên, Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị không cho phép lực lượng Công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khi chưa khởi tố bị can. Còn theo Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Nguyễn Văn Dũng, với những vụ án tham nhũng lớn do Viện KSND Tối cao, Viện KSND thành phố truy tố thì số tài sản tham nhũng lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng công tác thu hồi tài sản tham nhũng rất hạn chế, năm 2015 chỉ đạt 40-50%.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích trong công tác thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Viết Thành |
Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương công vụ
Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành. Theo Phó Thủ tướng, công tác PCTN luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, song tham nhũng vẫn chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi. Hà Nội là Thủ đô, trung tâm của cả nước, vì thế thành phố cần tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực PCTN. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, muốn chống tham nhũng thì phải siết chặt kỷ cương bộ máy hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính công, thực hiện một cửa liên thông nhuần nhuyễn, không để xảy ra tình trạng trên bảo dưới không nghe... "Cán bộ không đáp ứng được công việc, quan liêu, cửa quyền, vòi vĩnh thì phải lập tức thay thế" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phải kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tới từng cán bộ, công nhân viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia tố giác, tố cáo tham nhũng. Theo Phó Thủ tướng, "mưa dầm thấm lâu", mỗi việc làm, hành động nhỏ của từng cá nhân, tổ chức sẽ tạo chuyển biến tích cực trong xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tinh thần là lấy phòng ngừa là chính. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, trước hết, phải tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp triệt để. "Tôi đơn cử, trong việc sửa chữa các trụ sở cơ quan, từ khâu đề xuất cho đến duyệt phải qua 2 vòng, từ Sở Xây dựng mới lên UBND thành phố. Sau đó quay lại các quận, huyện nên thời gian bị kéo dài. Tiến tới, phải cắt giảm bớt, phân cấp triệt để đối với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan. Hay với việc hỗ trợ cho gia đình có thân nhân mất, không áp dụng hình thức chôn cất mà sử dụng hỏa táng, người dân phải đi lại quá nhiều lần. Nào là ra UBND phường khai tử. Sau đó lên cơ quan của thành phố để làm các thủ tục liên quan đến hỏa táng và ứng tiền trước. Tiếp nữa, lại quay lại trụ sở UBND phường nhận tiền hỗ trợ. Tôi đề nghị cải tiến để người dân được nhận tiền hỗ trợ trực tiếp tại một trong hai cơ sở hỏa táng của thành phố" - Chủ tịch UBND thành phố dẫn chứng. Cũng theo tinh thần này, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch ở tất cả các khâu, các quy trình, các bộ phận từ thành phố xuống cơ sở; xác định rõ trách nhiệm cá nhân; kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng tại đơn vị phụ trách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.