(HNM) - Năm 2012, TP Hà Nội tiếp tục chọn cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá và đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể.
Hoạt động của bộ phận một cửa phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Ảnh: Huyền Linh
- Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác CCHC của TP Hà Nội trong năm vừa qua?
- Năm 2011, công tác CCHC tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực. TP đã tập trung nâng cao chất lượng làm việc của những đối tượng làm trực tiếp, tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức (CBCC) về kiến thức CCHC, kỹ năng nghiệp vụ công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Các đơn vị đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa”, tập trung chỉ đạo điểm đối với một số xã, phường, thị trấn được lựa chọn làm điểm. Đồng thời TP đã hoàn thành và công bố bộ TTHC cấp huyện, cấp xã; triển khai các hoạt động kiểm soát TTHC; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC…
- Việc tổ chức bộ phận “một cửa” xem ra vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi khi số hồ sơ giải quyết chậm so với quy định còn cao ở một số sở và quận, huyện (theo thống kê của Sở Nội vụ, tỷ lệ chậm từ 5% đến 10%)?
- Thực tế cho thấy, TTHC cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn giải quyết chậm ở nhiều quận, huyện, thị xã. Một trong những nguyên nhân gây chậm trễ là do cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” còn nhiều khó khăn, phức tạp. Nhiều đơn vị chưa xây dựng được quy trình liên thông, thời gian thực hiện của từng cấp chưa rõ ràng nên không quy được trách nhiệm. Vì thế, năm 2012, TP tập trung chỉ đạo các sở, ngành xây dựng các quy trình liên thông các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động thương binh và xã hội... Đặc biệt, TP đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 08-Ctr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015” và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2020. Theo đó, TP đưa ra những chỉ tiêu cụ thể: 100% TTHC có liên quan đến tổ chức và cá nhân đều được thực hiện thông qua cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”; đào tạo 1.000 công chức nguồn cho cơ sở; 100% CBCC đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo vị trí chức danh…
- Ngay tại một số đơn vị làm điểm về “một cửa” cũng thực hiện chưa nghiêm túc ở nhiều nội dung, vậy năm nay TP sẽ có biện pháp gì để chấn chỉnh điều này?
- TP sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn cho các đơn vị. TP đang nghiên cứu xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm “một cửa” dùng chung cho các xã, phường, thị trấn; đồng thời, đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc, nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin ở các xã, phường.
- Một trong những cách làm đổi mới và khá hiệu quả trong năm qua là việc kiểm tra tại vài đơn vị rồi họp rút kinh nghiệm chung cho các đơn vị trong cụm (theo cách phân chia của đoàn kiểm tra), phương pháp này có tiếp tục duy trì trong thời gian tới không, thưa ông?
- Hà Nội có đặc thù địa bàn rộng, với 29 quận, huyện và 577 xã, phường, thị trấn nên cách thức kiểm tra rồi rút kinh nghiệm chung cho các đơn vị trong cụm như năm qua đã có sức lan tỏa lớn. Tuy nhiên, trong năm 2012, TP sẽ đổi mới bằng cách kiểm tra một vài đơn vị xã, phường trong một quận, huyện rồi mời những người trực tiếp làm công tác CCHC của các đơn vị thuộc quận, huyện đó cùng họp để rút kinh nghiệm chung. Như vậy, sự chuyển biến sẽ nhanh hơn.
- Những năm qua, TP đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất, qua đó, phát hiện không ít việc sai phạm, song dường như vẫn còn tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”?
- Năm vừa qua, TP tổ chức nhiều đoàn kiểm tra nhưng vẫn mang tính chất hướng dẫn và chấn chỉnh là chủ yếu. Thông qua kiểm tra, hướng dẫn, nhiều đơn vị đã tiếp thu và có chuyển biến tích cực, song cũng có đơn vị tiếp thu chưa nghiêm túc mà chưa bị xử lý. Năm 2012, TP chủ trương tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đối với công tác CCHC; phát huy vai trò giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với việc thực hiện CCHC tại các cơ quan hành chính. TP tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ đối với các cơ quan, đơn vị, CBCC; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với các trường hợp sai phạm. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về những vi phạm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của CBCC thuộc phạm vi quản lý. Theo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, TP sẽ chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện CCHC và trách nhiệm, thái độ phục vụ của từng CBCC trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến TTHC.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.