Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kiểm toán các dự án BT để chống thất thoát

Đức Anh| 11/11/2017 07:30

(HNM) - Với phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”, các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) từng được coi là phương thức đầu tư hiệu quả trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách eo hẹp. Song những dự án này vẫn bộc lộ nhiều bất cập, làm thất thoát tài sản công, gây bức xúc trong dư luận xã hội.


Thất thoát vì thiếu minh bạch

Hợp đồng BT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước. Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận, hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong dự án BT.

Dự án xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Thụy Khanh


Trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước eo hẹp, không đủ để chi cho các dự án phục vụ đầu tư phát triển, hợp đồng BT từng được coi là phương án hiệu quả nhằm nhanh chóng tạo dựng một hệ thống hạ tầng đồng bộ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Song, trên thực tế, sự lỏng lẻo trong quá trình kiểm soát thực hiện các dự án BT đã khiến nhiều sai phạm nảy sinh.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, chỉ với 16 dự án triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã phê duyệt 17 dự án hợp tác, trong đó có 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất.

Tuy vậy, tại Hà Nội một số dự án BT đã bộc lộ những bất cập. Chẳng hạn, dự án xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư với 41km đường, mặt cắt đường 40m, 4 làn xe, từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín). Theo đó, Nhà nước trả cho nhà đầu tư các khu đất để phát triển Khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng, nhưng sau 9 năm thực hiện, dự án mới chỉ hoàn thành 12km đường, trong khi đất dành cho phát triển Khu đô thị mới Thanh Hà, Mỹ Hưng đã được giao cho chủ đầu tư và chủ đầu tư này đã bán khu đất Thanh Hà cho chủ đầu tư khác.

Nhận xét về các dự án BT, Tiến sĩ Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng khiến cho nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia cũng như ở các địa phương tăng mạnh. Cùng với đó, áp lực giảm bội chi ngân sách và nợ công khiến việc thu hút đầu tư theo hình thức BT tăng trở lại. Hợp đồng BT là công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

So với dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), dự án BT ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi trực tiếp để thanh toán cho dự án BT và cũng ít thông tin hơn về các dự án này. Tuy nhiên, hình thức này lại dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, hay những khoản sinh lời lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất "đắc địa" của địa phương.

Hạn chế thất thoát "kép"

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, hệ lụy tất yếu trong dự án BT sẽ là thất thoát "kép". Thất thoát thứ nhất là hàng hóa “cơ sở hạ tầng”, bởi dự án BT đưa ra chào hàng do không có cạnh tranh, nên không phản ánh theo giá thị trường. Thất thoát thứ hai là từ đất đai, vì thực tế ở thời điểm ký hợp đồng BT, hầu hết quỹ đất thanh toán chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Để khắc phục tình trạng thất thoát “đất vàng” tại các dự án BT, các chuyên gia đều cho rằng, cần yêu cầu công khai và minh bạch đối với phương thức hợp đồng BT trong ít nhất hai công đoạn: Giao dự án và giao đất. Dự án BT về bản chất là một giao dịch mua sắm công với điều kiện thanh toán chậm. BT là hoạt động mua - bán mà bên mua không có sản phẩm cùng loại để được lựa chọn và bên bán không có ai để phải cạnh tranh trực tiếp.

Về giá cả đối với bên bán, sẽ khó có giá bán thị trường, bởi nó được xác định theo quy trình dự toán và quyết toán của dự án. Con số cuối cùng về dự toán, quyết toán dự án phụ thuộc khá nhiều vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án. Trên thực tế, nhà đầu tư có thể hưởng trọn phần tăng thêm của giá đất do tăng theo giá thị trường và cả trong trường hợp tăng giá đất do tác động của chính công trình hạ tầng có liên quan được xây dựng.

Về phía chính quyền cũng có thể cho rằng được hưởng lợi ích, bởi họ nhanh chóng được sở hữu các công trình hạ tầng mới tại địa phương như là thành tựu về kinh tế và chính trị, trong khi lại không phải chi bất cứ đồng vốn ngân sách nào…

Tiến sĩ Phạm Quang Tú, chuyên gia đến từ Tổ chức Oxfam Việt Nam cũng cho rằng, để khắc phục những bất cập tại các dự án BT, cần có quy định sử dụng đất để trả cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát, đồng thời quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước liên quan khi nhận được ý kiến giám sát của dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kiểm toán các dự án BT để chống thất thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.