(HNM) - Siết chặt công tác quản lý đảng viên là một trong những giải pháp quan trọng giúp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Việc này càng cần thiết hơn trong bối cảnh các cấp, ngành đang tập trung chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp.
Hiệu quả từ thực tiễn
Luôn coi công tác quản lý đảng viên là căn cốt để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, từ nhiều năm nay, Đảng ủy xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ) đã phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên. Bí thư Đảng ủy xã Phú Nam An Lê Văn Bộ chia sẻ: “Đảng ủy thực hiện nghiêm phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vì vậy, mọi chủ trương, hoạt động của chính quyền xã đều được công khai, thông tin đầy đủ để nhân dân biết, giám sát, đánh giá”.
Nhận xét về công tác trên, ông Lê Xuân Tâm (thôn Tân Thôn, xã Phú Nam An) cho biết: “Nhờ tiếp thu góp ý thường xuyên của người dân, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã ngày càng nâng lên. Đây là lý do quan trọng giúp kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt gần 50 triệu đồng/năm”.
Tại Đảng bộ phường Thượng Thanh (quận Long Biên), Đảng ủy phường đã chuẩn hóa các quy trình, quy chế làm việc gắn với phân công nhiệm vụ từng cán bộ, đảng viên để tăng cường quản lý. Đặc biệt, phường còn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của nhân dân giám sát việc đánh giá thực hiện kế hoạch tu dưỡng của đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cấp ủy. Bí thư Đảng ủy phường Phạm Thị Minh Hồng khẳng định: “Nhờ tăng cường sự quản lý của tổ chức và qua việc giám sát, góp ý của nhân dân, cán bộ, đảng viên nhận ra hạn chế, khuyết điểm, xây dựng kế hoạch khắc phục, báo cáo công khai để người dân tiếp tục kiểm tra. Từ đó, Đảng bộ phường đã nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, góp phần lãnh đạo phường liên tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị. Năm 2019, Thượng Thanh là phường đứng thứ nhất trong phong trào thi đua của quận Long Biên, được tặng cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và UBND thành phố".
Cũng như hai địa phương trên, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, nhiều quận, huyện, như: Mỹ Đức, Quốc Oai, Thường Tín, Hoài Đức, Gia Lâm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Đông... đều có những giải pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên. Theo Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng, để tăng cường quản lý đảng viên, các chi bộ trên địa bàn huyện đã ban hành nghị quyết phân công nhiệm vụ cho đảng viên từ đầu năm. Từ đó, chi ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời định hướng, uốn nắn cho đảng viên... Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Vũ Thị Thân thông tin: Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo các đảng viên là cán bộ, công chức phải xây dựng kế hoạch công tác cụ thể đến từng ngày, từng tuần để thực hiện và cấp ủy quản lý, đồng nghiệp cùng tham gia giám sát…
Gắn với công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, có nơi, có lúc tình trạng buông lỏng quản lý đảng viên vẫn xảy ra, dẫn đến không ít cán bộ, đảng viên vi phạm bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Tại huyện Sóc Sơn, chỉ tính riêng năm 2019 đã có 51 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật về sai phạm trong công tác. Trong đó, có 10 lãnh đạo cấp huyện, 13 lãnh đạo cấp xã. Các huyện Phúc Thọ, Ba Vì cũng có những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ cao vi phạm bị kỷ luật. Tính chung, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố Hà Nội đã thi hành kỷ luật 3.318 đảng viên, trong đó cảnh cáo 492 trường hợp, cách chức 59 trường hợp, khai trừ 297 trường hợp. Ngoài ra còn có 62 đảng viên bị xử lý hành chính, 322 đảng viên bị truy tố trước pháp luật.
Ngoài các vi phạm đến mức bị kỷ luật như trên, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, tình trạng bỏ sinh hoạt chi bộ, đảng viên đi làm ăn xa không báo cáo tuy không nhiều nhưng vẫn xảy ra. Nếu cấp ủy thiếu quan tâm, không có biện pháp xử lý nghiêm, siết chặt quản lý sẽ tạo tiền lệ xấu và gia tăng số trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng.
Công tác quản lý đảng viên càng trở nên quan trọng, cần thiết được các cấp ủy quan tâm hơn khi đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới phải tiếp tục coi trọng công tác sinh hoạt tư tưởng, quản lý đảng viên về mặt đạo đức, lối sống; chấp hành nghiêm việc sinh hoạt chi bộ theo quy định… Cùng với đó, thực hiện nghiêm Quy định số 213-QĐ/TƯ về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú được Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành ngày 2-1-2020.
Tại Hà Nội, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tiếp tục được siết chặt; ngoài đánh giá hiệu quả công việc được giao, còn đánh giá toàn diện các mặt khác gắn với việc chuẩn bị nhân sự giới thiệu đại hội Đảng các cấp.
Như vậy, siết chặt quản lý đảng viên vừa xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn vừa là nhiệm vụ quan trọng được Trung ương giao; đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng phải coi đây là công việc thường xuyên, liên tục nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.