(HNM) - Lâu nay, an toàn thực phẩm luôn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Hết chuyện này đến chuyện khác liên quan tới chất lượng thực phẩm. Ngay tại những diễn đàn công khai vẫn còn những tranh cãi nảy lửa. Ai cũng có lý của mình! “Con kiến leo cành đa”, rồi mọi vấn đề lại về từ “gốc”. Ấy là cái sự chăm sóc, nuôi trồng của người nông dân.
Với trình độ tiếp cận thông tin của người nông dân còn hạn chế và từ đó có thể dẫn tới những vấn đề phát sinh ngoài dự tính, trong đó việc sử dụng thuốc thú y là một ví dụ. Lâu nay, nông dân luôn đặt trọn niềm tin vào các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thú y, thuốc thú y. “Có bệnh thì vái tứ phương”, đàn gia súc, gia cầm nhiễm bệnh có thể khiến một hộ chăn nuôi khánh kiệt. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện (và tiếp cận được với lực lượng cần thiết) để triển khai việc phòng dịch, chống bệnh một cách bài bản; vì thế rất nhiều chủ hộ chăn nuôi tự mua thuốc, chế phẩm sinh học và vắc xin về sử dụng để chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thay vì mời bác sĩ thú y… Tất nhiên, trước khi mua, chắc hẳn nông dân đều có phản ánh triệu chứng, đặc điểm bệnh lý với chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y để nhờ... tư vấn. Vậy nhưng, kết cục vẫn là “tiền mất, tật mang”.
Theo Hội Thú y Việt Nam, quy chế về hành nghề bác sĩ thú y cơ sở chưa được ban hành, cộng thêm những “lỗ hổng” khác đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Theo quy định, chỉ bác sĩ thú y mới được phép kê đơn thuốc điều trị cho gia súc, gia cầm. Thế nhưng, sự thiếu hụt lực lượng chuyên môn về dịch tễ và chẩn đoán bệnh không chỉ dẫn tới việc tham mưu cho chính quyền trong công tác chống dịch hạn chế mà còn là những tư vấn bất lợi cho nông dân. Mỗi năm, cả nước chi hàng tỷ USD nhập khẩu các loại vắc xin nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân.
Đơn giản là vì nông dân chưa được tư vấn đến nơi, đến chốn cách sử dụng thuốc, vắc xin đúng liều lượng, đúng cách. Theo một khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, 100% chủ cửa hàng thuốc thú y đều được cấp phép kinh doanh, nhưng trình độ nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế. Kết quả khảo sát của Hội Thú y Việt Nam cho biết, hơn 60% cửa hàng thuốc thú y bán các loại hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng... Nông dân sử dụng thuốc thú y quá mức vừa lãng phí vừa có thể gây ra những hệ lụy, đặc biệt về dư lượng thuốc kháng sinh trong thực phẩm. Cuối cùng nông dân phải gánh chịu hậu quả, người tiêu dùng cũng bị liên đới ảnh hưởng (về giá, dư lượng kháng sinh, thuốc thú y tồn dư trong sản phẩm).
Đổ lỗi cho nông dân một thì phải trách cơ quan quản lý, chính quyền địa phương mười. Với người nông dân, không ai muốn mua và sử dụng quá mức lượng thuốc thú y không cần thiết để chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Vì thế, tăng cường công tác quản lý, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y là đòi hỏi bắt buộc, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và Ngành Chăn nuôi nước nhà còn nhiều hạn chế. Trước hết, cần siết chặt công tác quản lý kinh doanh thuốc thú y như một ngành kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, phải tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ thú y, đa dạng hóa các loại hình đào tạo về chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi; phân định trách nhiệm cho cán bộ thú y trong kê đơn điều trị cho đàn vật nuôi và chỉ bán thuốc theo đơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.