(HNMO) – Tại Triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải năm 2019 đang diễn ra, hầu hết các nhà sản xuất xe hàng đầu Trung Quốc tung ra các mẫu xe điện thế hệ mới chọn biến thể Sedan thay vì crossover cỡ nhỏ.
|
Trong đó, nổi bật là hai nhà sản xuất nhóm “khởi nghiệp” gồm NIO và Xpeng, cùng với Geely – nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Giữa lúc Ford và GM đã loại bỏ hầu hết sedan chạy động cơ đốt trong tại quê nhà Mỹ, việc dòng xe “gầm thấp” này trỗi dậy tại Trung Quốc cho thấy một trào lưu rất đáng quan tâm.
Trong đó, hai mẫu sedan của Geely và NIO đang ở dạng ý tưởng, nên chưa được tiết lộ nhiều về thông số kĩ thuật cũng như giá bán. Về phần mình, Geely Preface, tuy không phải là mẫu sedan đầu tiên hay xe điện đầu tiên của đại gia đang sở hữu Volvo này, nhưng là mẫu xe được phát triển trên nền tảng “Kiến trúc lắp ghép nhỏ gọn” (CMA) mà Geely đang phát triển dựa trên công nghệ của công ty ô tô Thụy Điển. CMA cũng là nền tảng đang được Volvo triển khai trên chiếc SUV phổ thông XC40 và mẫu hiệu năng cao Polestar 2.
Xe ý tưởng Geely Preface có ngoại hình khá giống một chiếc sedan của Volvo. |
Với NIO, chiếc ET Preview được hãng tuyên bố có thể di chuyển 510km mỗi lần sạc (đối với phiên bản thương mại sau này). Đây là con số khá ấn tượng, nhưng vẫn đo dựa theo tiêu chuẩn NEDC có phần đã cũ. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra quy trình mới (WLTP) nhằm đánh giá chính xác hơn năng lực của những chiếc ô tô trong điều kiện vận hành thực tế. Sự chênh lệch giữa NEDC là khá lớn so với WLTP. Do đó, người dùng có thể kì vọng NIO ET Preview có thể di chuyển khoảng 450km/lần sạc khi sử dụng ngoài đời thực.
Ngoài các dòng sản phẩm ý tưởng nêu trên, chiếc Xpeng P7 có lẽ là mẫu sedan điện hoàn thiện nhất được ra mắt trong triển lãm lần này, thậm chí đã sẵn sàng cho việc tung ra thị trường. Xe có thể di chuyển khoảng 600km/lần sạc (chuẩn NEDC) và tăng tốc 0-96km/giờ chỉ trong vòng 4 giây. Thế mạnh lớn nhất nằm ở hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến mang tên Xpilot, được phát triển dựa trên chip xử lý xe tự hành chuyên dụng Drive Xavier của NVIDIA.
Chiếc Xpeng |
Trong những chia sẻ với giới truyền thông, lãnh đạo của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nói trên đều tỏ ra lạc quan về tương lai của sedan chạy điện. Theo Phó Chủ tịch Izzy Zhu của NIO, hiện nay, thị trường sedan của Trung Quốc vẫn rất tiềm năng, chiếm khoảng 51% tổng thị trường ô tô của quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2018. Vì vậy, việc NIO chọn tung ra một mẫu sedan chạy điện cao cấp như ET cũng chính là để giành lấy miếng bánh thị phần này trong tương lai. Hãng dự kiến thúc đẩy sản phẩm có giá khoảng 22.000-45.000 USD. Đây cũng là khoảng giá “vàng”, chiếm hơn 50% thị phần ô tô Trung Quốc hiện nay.
Aston Martin Rapide E là “ngôi sao” sedan thực thụ trong các loại xe thuần điện tại triển lãm lần này. |
Thương hiệu Anh Quốc Aston Martin cũng chọn dịp này để tung ra Rapide E, chiếc sedan thuần điện hiệu năng mới nhất của mình. Trong khi đó, “đồng hương” Lotus của hãng (mà Geely là cổ đông lớn) cũng cùng lúc thông báo sẽ tung ra xe điện mới, nhằm “đưa những chiếc xe điện thể thao xuống mức giá dễ chấp nhận hơn” trong tương lai. Phía “chiến tuyến” Mỹ, Karma Automotive cũng không nằm ngoài cuộc chơi chung, khi giới thiệu một mẫu xe điện thể thao cao cấp mang tên gọi SC1.
Xe điện Karma SC1 nhằm vào phân khúc xe thể thao cao cấp. |
Cuối cùng, một trong những dấu hiệu rõ nét nhất của việc xe điện sẽ là cơ hội vàng cho sedan, chính là việc Tesla – vốn chẳng mấy khi xuất hiện tại các sự kiện triển lãm – lại quyết định xuất hiện ở Thượng Hải lần này với duy nhất một chiếc sedan: Model 3. Hiện Tesla đã có kế hoạch sản xuất Model 3 tại nhà máy riêng nằm ở ngoại ô Thượng Hải, càng cho thấy kế hoạch phát triển tại Trung Quốc của thương hiệu ô tô điện Mỹ sẽ tập trung vào sedan.
Dĩ nhiên, những biểu hiện của các nhà sản xuất ô tô tại triển lãm Thượng Hải lần này không đồng nghĩa với việc xe SUV không có cơ hội trong trào lưu điện hóa mới. Nhưng việc các nhà sản xuất lớn, đặc biệt là các đơn vị khởi nghiệp, đều chọn sedan làm mẫu xe điện đầu tay, cho thấy đây sẽ là phân khúc cạnh tranh khốc liệt khi ngành công nghiệp ô tô thế giới bước sang kỷ nguyên điện hóa trong vài năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.