Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ yêu cầu các tổ chức bán hơn 370 triệu USD

H.V| 30/03/2011 19:11

(HNMO) – Chiều 30/3, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện các tổ chức đang gửi ngân hàng 1 tỷ 610 triệu USD, trong đó có 376 triệu USD là gửi có kỳ hạn.


Thống đốc cho biết, với phần tiền gửi có kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng và yêu cầu tổ chức phải bán ngay lại cho các ngân hàng vì đây là “hiện tượng găm giữ” ngoại tệ.

Cũng liên quan đến việc quản lý thị trường ngoại hối, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến thời điểm này, cung - cầu trên thị trường ngoại tệ tương đối cân bằng. Cùng với việc tăng cường kiểm tra và đặc biệt khi Bộ Công an kiểm tra liên tục, thị trường tự do đã không còn hoạt động công khai nữa và tỷ giá trên thị trường tự do hiện đã sát với giá ngân hàng.


CPI tháng 3 tăng cao nhất trong gần 3 năm

Tại phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Phúc đã thông báo với báo giới về kết quả phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ cũng như tình hình kinh tế-xã hội đất nước trong tháng 3 và quý I năm 2011.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã mang lại những kết quả bước đầu trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đáng chú ý, trong Quý I/2011, tốc độ tăng GDP ước đạt 5,43%; thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 136,9 nghìn tỷ đồng, bằng 18,9% dự toán năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 19,2 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ; nhập siêu 3 tháng đầu năm ước trên 3 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu…

Song song với kiềm chế lạm phát, Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, có 1 số chủ trương cần thiết hỗ trợ người nghèo như thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản, điều chỉnh mức cho vay với HSSV, trợ cấp cho các đối tượng có thu nhập dưới 1,9 triệu đồng/tháng, hỗ trợ tiền điện 30.000 đ/hộ/tháng với hộ nghèo, đồng thời hỗ trợ cho hộ nghèo mức 250.000 đ/người... Dự kiến, tổng số tiền hỗ trợ người thu nhập thấp lên đến 3.100 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh khó khăn, đây là cố gắng rất lớn của Đảng, Chính phủ”, Bộ trưởng Phúc nhấn mạnh.

Cùng việc cắt giảm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đời sống hộ nghèo, Chính phủ cũng đang quyết liệt thực hiện giảm nhập siêu, nhất là với những mặt hàng xa xỉ như điện thoại, ô tô đắt tiền, rượu... Chính phủ cũng chủ trương không để sản xuất kinh doanh của năm 2011 thấp hơn năm 2010.

Cũng theo công bố của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 2,17% so với tháng trước khiến chỉ số giá Quý I năm nay tăng 12,79% so với cùng kỳ năm 2010.

Mức tăng chỉ số CPI tháng 3 là mức tăng cao nhất trong vòng gần 3 năm qua và đây là lần đầu tiên kể từ năm 1990, mức tăng tháng 3 cao hơn mức tăng tháng2. Nguyên nhân chủ yếu là do hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng giá mạnh cùng với nguy cơ lạm phát diễn ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới đã gây áp lực tăng giá thị trường hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng một số mặt hàng thiết yếu như giá điện, xăng, ga, than bán cho điện… và điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND, tăng lãi suất đã làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng…

Cắt giảm hơn 1.380 dự án

Liên quan đến việc rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư công, đại diện Chính phủ cho biết, Chính phủ đang thực hiện cắt giảm đầu tư công thông qua giảm tuyệt đối vốn ngân sách (bằng các biện pháp không kéo dài thời gian giải ngân, không ứng trước kế hoạch năm 2012, giảm tuyệt đối vốn trái phiếu Chính phủ, giảm tín dụng đầu tư của Nhà nước, qua đó giảm so với năm 2010 được khoảng 50.000 tỷ đồng) và cắt giảm các dự án đầu tư mới, không hiệu quả…

Chính phủ cũng khẳng định, việc cắt giảm các dự án đầu tư mới, không hiệu quả… không phải là cắt vốn đầu tư, số tiền cắt giảm này không thu về ngân sách mà các địa phương, bộ, ngành dùng vốn này để điều chuyển bổ sung cho các dự án có thể hoàn thành năm 2011 nhưng thiếu vốn hoặc các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ thi công…

Được biết, qua tổng hợp của 30 bộ, ngành, 12 tập đoàn và 63 tỉnh thành thì đã có 1.387 dự án được cắt giảm với tổng vốn 3.400 tỷ đồng.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, tập đoàn, địa phương phải hoàn thành báo cáo rà soát, cắt giảm đầu tư công trước 10/4 và cuối tháng 4 sẽ có báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng. Hiện còn 22 bộ, ngành chưa có báo cáo, trong đó có Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng.

Đợt tăng giá xăng dầu mới nhất sẽ khiến CPI tăng 0,4%


Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, tính chung cả 2 đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua (đợt 24/2 và 29/3) thì giá xăng dầu trong nước hiện tại vẫn chưa sát thực tế, nếu tính đầy đủ cả thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận doanh nghiệp… theo mức bình thường.

“Giá xăng dầu trong nước sau khi điều chỉnh vẫn thấp hơn các nước xung quanh từ 3.000-5.000 đồng/lít”, ông Thỏa nói.

Theo ông Thỏa, kể từ 24/2, giá xăng trên thị trường thế giới đã tăng 12-17% khiến cho mức giá cơ sở tăng hơn giá hiện hành rất nhiều và buộc Nhà nước phải điều chỉnh giá, đồng thời vẫn giữ nguyên tắc lùi thuế nhập khẩu và yêu cầu các doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh. Mức điều chỉnh giá ngày 29/3 mới chỉ bằng khoảng 30-40% so với giá thực. Nếu tính trực tiếp, giá xăng tăng lần này sẽ khiến CPI tăng 0,4%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ yêu cầu các tổ chức bán hơn 370 triệu USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.