Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban UNESCO của Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành địa phương liên quan xây dựng để trình UNESCO các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể: tín ngưỡng thờ Vua Hùng và Nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Lễ rước kiệu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. |
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban UNESCO của Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành địa phương liên quan xây dựng để trình UNESCO các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể: tín ngưỡng thờ Vua Hùng và Nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Thực tế, tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của quốc gia. Ý nghĩa tâm linh trẩy hội về Đền Hùng đã được ghi sâu vào nếp nghĩ và sinh hoạt trong đời sống tinh thần người Việt. Đây chính là cội nguồn thiêng liêng, nơi khơi dậy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cả dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc. Với ý nghĩa cao đẹp đó, từ năm 2000, Bộ Chính trị đã quyết định những năm chẵn (5 năm một lần) Lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo nghi thức Quốc giỗ.
Trong những ngày này, chúng ta đang tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi lễ cấp Nhà nước và mong muốn UNESCO ghi danh khu vực di sản này.
Theo kế hoạch, hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Tín ngưỡng và Lễ hội Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể sẽ hoàn thành trước 31/8/2010.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử. |
Dự kiến trước năm 2011, hồ sơ trình UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng sẽ được lập.
Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam bộ hát ca sau những giờ lao động. Xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và độc huyền cầm (gọi là tứ tuyệt). Sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây ghi ta.
Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống của người dân Nam bộ, đặc biệt là người dân sông nước Cửu Long. Trong những làng mạc, thôn quê, đâu đâu ta cũng gặp, cũng nghe thấy loại hình âm nhạc này. Ai ai cũng có thể hát được đờn ca tài tử dù chưa qua trường lớp.
Giá trị nổi bật của Đờn ca tài tử là nghệ thuật diễn xướng, có nguồn gốc từ Nhã nhạc cung đình Huế kết hợp với không gian sông nước mà thành, do cha ông ta mang theo trong quá trình mở cõi xuống phương Nam. Nó là loại hình nghệ thuật của âm nhạc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.