(HNMO) – Ngày 4/1/2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố sẽ chính thức tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam - tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 6/1 tới.
.
Dự án xây dựng NMLD Dung Quất là quyết sách quan trọng của Đảng và Chính phủ trong việc hình thành ngành công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam và phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là công trình trọng điểm quốc gia được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi với số vốn đầu tư trên 3 tỷ đôla Mỹ, công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước hiện nay.
Thực hiện Nghị quyết số 44/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về việc tập trung chỉ đạo xây dựng NMLD Dung Quất, giữa năm 2005 Tập đoàn Dầu khí đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy chính với Tổ hợp nhà thầu Technip. Quá trình triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến thiết kế kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, đặc biệt là tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009 đến thị trường và chi phí thiết bị, nhân công. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các Bộ ngành và cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cộng với những nỗ lực vượt bậc, bằng quyết tâm cao nhất của Chủ đầu tư cùng các nhà thầu trong nước và quốc tế, trong vòng bốn năm, NMLD Dung Quất đã hoàn thành xây dựng, có sản phẩm đầu tiên từ tháng 2/2009 và được đưa vào vận hành thương mại thành công.
Ngày 25/5/2010, trên cơ sở kết quả chạy thử, chạy nghiệm thu Nhà máy, Chủ đầu tư đã cấp Chứng chỉ nghiệm thu sơ bộ cho Tổ hợp nhà thầu Technip và Tổ hợp nhà thầu này tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo hành nhà máy trong thời gian hai năm tiếp theo. Ngày 29/5/2010, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã ký văn bản nghiệm thu, cho phép công trình NMLD Dung Quất được chính thức đưa vào hoạt động thương mại. Ngày 30/5/2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổ hợp nhà thầu Technip đã tổ chức Lễ bàn giao NMLD Dung Quất.
Công tác quyết toán dự án được Tập đoàn Dầu khí triển khai và cơ bản hoàn thành trong tháng 12/2010 với giá trị quyết toán thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt trên 8 nghìn tỷ đồng (43,3 nghìn tỷ đồng so với 51,7 nghìn tỷ đồng).
Tiếp theo đó, ngày 26/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 58/2010/QH12 ghi nhận dự án NMLD số 1 Dung Quất đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thương mại.
NMLD Dung Quất được xây dựng trên tổng diện tích 337 ha mặt đất và 471 ha mặt biển. Với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, sản phẩm của nhà máy gồm khí hóa lỏng LPG, xăng 92/95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, diesel ôtô, dầu nhiên liệu FO, lưu huỳnh và hạt nhựa Polypropylen (PP).
Từ cuối năm 2008, trên 1.000 kỹ sư vận hành và công nhân kỹ thuật Việt Nam được tuyển dụng và đào tạo, trong đó có 510 kỹ sư và công nhân kỹ thuật là người Quảng Ngãi, cùng với các chuyên gia nước ngoài đã thực hiện việc vận hành chạy thử các phân xưởng công nghệ và toàn bộ nhà máy. Ngày 22/2/2009, nhà máy đã sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên.
Với sự trợ giúp của 141 chuyên gia vận hành nước ngoài từ nhà thầu SK (Hàn Quốc) và KBC (Anh) từ tháng 10/2009, sau một năm kỹ sư và công nhân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã dần thay thế được nhiều vị trí quan trọng. Số chuyên gia nước ngoài nay chỉ còn 81 vị trí và đến cuối năm 2011 dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 40 người.
Đáng chú ý, từ khi nhận bàn giao, nhà máy luôn vận hành ổn định ở 100% công suất. Tính từ thời điểm bắt đầu chạy thử đến hết tháng 12/2010, nhà máy đã tiếp nhận khoảng 8,3 triệu tấn dầu thô, chế biến và cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn sản phẩm các loại đạt chất lượng. Bảy loại sản phẩm của nhà máy đã đạt Huy chương Vàng tại Hội chợ Thương mại Quốc tế (Vietnam Expo - 2010). Sản phẩm Jet A1 (xăng máy bay) đã được cấp chứng chỉ chất lượng quốc tế và chính thức đưa ra thị trường. Khi mua sản phẩm của nhà máy, các đầu mối kinh doanh phân phối trong nước có lợi hơn mua hàng nhập khẩu nhờ được mua bằng tiền đồng, tránh được thiệt hại do chênh lệch và biến động tỷ giá ngoại tệ.
Năm 2010, tính từ khi bàn giao, nhà máy đạt doanh thu 60 nghìn tỷ đồng, dự kiến lợi nhuận đạt trên 237 tỷ đồng và nộp ngân sách 10 nghìn tỷ đồng. Năm 2011, nhà máy sẽ phấn đấu đạt mức doanh thu 77 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng và nộp ngân sách 15 nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là hỗ trợ nhằm ổn định đời sống các hộ dân trong diện di dời giải tỏa để xây dựng NMLD Dung Quất và Nhà máy sản xuất PP, với tổng số tiền 300 tỷ đồng. Quan trọng hơn, việc xây dựng NMLD Dung Quất đã và đang thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất. Đến cuối năm 2009, đã có 157 dự án được cấp phép với tổng vốn lên đến 10,3 tỷ đôla Mỹ, trong đó có 44 dự án đã hoạt động. Thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đã tăng từ 376 tỷ đồng năm 2004 lên 16 nghìn tỷ đồng năm 2010 (trong đó hơn 14 nghìn tỷ đồng là từ NMLD). Bộ mặt và đời sống người dân vùng quê nghèo khó, khí hậu khắc nghiệt nơi đây đang từng ngày thay đổi.
Việc hoàn thành xây dựng NMLD đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất có ý nghĩa chiến lược về chính trị - kinh tế - xã hội, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đầu tư dự án NMLD Dung Quất. Dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực về chính trị - kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Dự án là mốc quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu chiến lược: công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặt nền móng vững chắc cho việc hình thành ngành công nghiệp lọc hóa dầu hoàn chỉnh ở Việt Nam. NMLD đã mang lại diện mạo mới cho vùng kinh tế trọng điểm Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung.
Công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí này cho phép chúng ta chế biến và gia tăng giá trị dầu thô khai thác trong nước, hạn chế nhập siêu và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng. Việc xây dựng và vận hành NMLD Dung Quất thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế - công nghiệp trong nước như thiết kế, xây dựng, cơ khí, chế tạo và lắp ráp, thép, điện tử, vận tải, đóng tàu, hóa dầu, hóa chất, dịch vụ...
Đối với ngành Dầu khí, quá trình nghiên cứu thực hiện, hoàn thành và vận hành thương mại NMLD Dung Quất - một dự án rất hiện đại, quy mô lớn và phức tạp cả về kỹ thuật, công nghệ, quản lý, nguồn vốn, nhân lực - là cơ hội và môi trường quý giá để đào tạo và tự đào tạo, tích lũy kinh nghiệm quản lý dự án trọng điểm quốc gia để có thể phát huy tốt trong triển khai các dự án lớn sau này. Đội ngũ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật được rèn luyện, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp thu làm chủ công nghệ; công tác tiếp thị, kinh doanh phân phối quy mô lớn những sản phẩm mới của ngành như xăng, dầu, nhiên liệu phản lực, hạt nhựa PP... ngày càng chủ động và có hiệu quả cao.
Đáng chú ý, để gia tăng hiệu quả, độ linh hoạt trong chế biến của nhà máy và không ngừng tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia, ngay từ năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã lập kế hoạch tổng thể thay thế dần việc sử dụng dầu thô Bạch Hổ giá trị cao bằng chế biến dầu thô nhập khẩu. Hiện nay, Tập đoàn đang cùng các đối tác nước ngoài nghiên cứu khả năng nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Cuối tháng 10/2010, Tập đoàn đã thuê Tư vấn JGC - Nhật Bản lập Dự án đầu tư, theo đó nguyên liệu sẽ được bổ sung bằng dầu chua, có giá rẻ và nguồn cung dồi dào hơn, công suất cũng sẽ được nâng lên đến gần 10 triệu tấn/năm. Dự kiến việc nâng cấp, mở rộng NMLD sẽ hoàn thành vào năm 2016 với số vốn đầu tư bổ sung trên 1 tỷ đôla Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.