Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ siết chặt hoạt động cho vay nặng lãi

Hà Phong| 25/10/2015 06:39

(HNM) - Trọn ngày 24-10, Quốc hội cho ý kiến dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Câu chuyện lãi suất cho vay tài sản đã làm



Nhiều ý kiến đề nghị quy định lãi suất cho vay tối đa 20%/năm để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng. Thông qua đó ngăn ngừa cho vay nặng lãi, tránh lách luật. Một số vấn đề khác liên quan đến quyền con người, có nên áp dụng chế độ án lệ hay không... cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu QH.

Còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên ấn định cụ thể trần lãi suất cho vay trong bộ luật dân sự. Ảnh: Như Ý


Nhiều quy định nhân văn

Trước đó, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân với khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến góp ý. Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của QH, bản công bố ngày 24-10 được đổi mới toàn diện với mục đích xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia.

Cơ bản đồng tình với nhận định trên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, cuộc sống luôn biến động, pháp luật không thể bao quát hết, dự liệu hết tất cả các trường hợp phát sinh trong xã hội nên quy định áp dụng tập quán tương tự pháp luật, áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự cũng như án lệ... để tòa án giải quyết các tranh chấp dân sinh phát sinh là phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của đại đa số người dân. Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật của QH Đinh Xuân Thảo (ĐB Đoàn Hà Nội) cũng nhận định, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, không trái với quy định thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Để làm được điều này, trước hết phải tin tưởng thẩm phán nhưng cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tùy tiện trong áp dụng.

Xung quanh một vấn đề khác được dư luận quan tâm hiện nay là chuyển đổi giới tính, ĐB Đinh Xuân Thảo đánh giá quy định Ban soạn thảo đưa ra rất nhân văn. Nhìn nhận vấn đề chuyển đổi giới tính dưới góc độ vừa là quyền con người đã được Hiến pháp ghi nhận, vừa là thực tiễn xã hội, ĐB Nguyễn Trung Thu (Đoàn Long An) nhận xét, quy định cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan sẽ giải quyết được những phát sinh trong thực tiễn đối với những người đã chuyển giới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế, hiện nay, người chuyển giới ngày càng nhiều, hiện diện rõ nhưng chưa được công nhận, nên họ phải sống như "người vô hình" ngoài xã hội, khó khăn trong việc tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội, thiếu hỗ trợ pháp lý, không hoặc chưa được bảo vệ thích đáng. Tuy nhiên, việc dự thảo chưa thừa nhận rõ việc chuyển đổi giới tính có phải là quyền hay không khiến một số ĐB lo ngại vì chưa biết đến bao giờ có luật riêng để giải quyết đầy đủ các vấn đề liên quan.

Siết lãi vay dân sự

Không thể không siết chặt hoạt động cho vay nặng lãi là vấn đề cũng được đặc biệt lưu ý. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến nhân dân và các cơ quan liên quan, Chính phủ trình Quốc hội quy định về lãi suất như sau: "Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác".

Tuy nhiên, vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%). Lại có ý kiến cho rằng, không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Ý kiến khác đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất hai phương án mới. Một là quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Hai là giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, có nghĩa vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

Các ĐB: Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội), Lê Đắc Lâm (Đoàn Bình Thuận), Nguyễn Thị Kim Thúy nghiêng về phương án 1, vì nếu chọn mức lãi suất cho vay tiêu dùng của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn hay lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ là những mức lãi suất không phổ biến và khó tiếp cận với phần lớn người dân. Bà Thúy giải thích, quy định lãi suất tối đa 20%/năm sẽ bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay. Thông qua đó hạn chế cho vay nặng lãi, tránh lách luật.

Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Đoàn TP Hồ Chí Minh) lại không yên tâm với cả hai phương án. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh phân tích, nếu quy định mức lãi suất cố định, khi đồng tiền bị trượt giá thì không có ý nghĩa gì lắm, nếu lạm phát tăng cao sẽ thiệt hại cho người cho vay, nhưng nếu quy định 200% lãi suất cơ bản thì nhiều năm rồi Ngân hàng Nhà nước không công bố. Cho rằng phương án quy định lãi suất tối đa 20% sẽ gây khó khăn, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề xuất nên áp dụng phương án 2, nhưng phải quy định rõ về lãi suất cơ sở để áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ siết chặt hoạt động cho vay nặng lãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.