Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ sát với giá vàng thế giới?

Đức Anh| 04/05/2013 07:52

(HNM) - Từ khoảng cách 7 triệu đồng/lượng, mức chênh giá vàng giữa 2 thị trường trong nước và thế giới đã giảm xuống còn hơn 5 triệu đồng/lượng.


Tính đến cuối tháng 4, sau 12 phiên đấu giá, tổng lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đấu thầu là 340.900 lượng, tương đương khoảng 13 tấn vàng, bổ sung một khối lượng không nhỏ cho thị trường.

Khách mua vàng tại Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Như Ý



Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, NHNN càng tổ chức đấu thầu, giá vàng trong nước càng "leo thang", khiến khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới tiếp tục bị nới rộng, có thời điểm tới hơn 7 triệu đồng/lượng, mức chênh chưa từng có đối với thị trường trong nước và thế giới. Phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ (ngày 2-5), giá vàng trong nước đã có sự điều chỉnh giảm mạnh, khoảng 600 nghìn đồng/lượng so với thời điểm trước kỳ nghỉ do áp lực bán tháo của giới đầu tư trong nước. Cụ thể, trên thị trường Hà Nội, thời điểm 15h, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 39,8 triệu đồng/lượng (mua vào)-40,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, vàng SJC vẫn "bỏ rơi" vàng Rồng Thăng Long hơn 2 triệu đồng/lượng, giao dịch phổ biến với giá 42,26 triệu đồng/lượng (mua vào)-42,38 triệu đồng/lượng (bán ra). Trên thế giới, giá vàng ở mức 1.455 USD/ounce (thời điểm 15h20 theo giờ Việt Nam). Như vậy, quy đổi ra VND theo tỷ giá của Vietcombank là 20.960 VND/USD, giá vàng trong nước chênh giá thế giới hơn 5 triệu đồng/lượng. Từ khoảng cách 7 triệu đồng/lượng, nay còn hơn 5 triệu đồng/lượng. Song, đây chưa phải là mong đợi của nhà đầu tư, bởi họ đều kỳ vọng mức chênh chỉ dừng ở 1 triệu đồng/lượng.

Lý giải về chênh lệch quá xa giữa giá vàng 2 thị trường, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, nước ta không sản xuất vàng, muốn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước phải nhập khẩu. Tuy nhiên, 2 năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng vì cần ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Trong khi đó, nhu cầu trong nước vẫn cao, cầu nhiều, cung ít khiến giá trong nước bỏ xa giá thế giới. Không chỉ có nhu cầu của người dân muốn "tích trữ", nhu cầu mua vàng để tất toán của các tổ chức tín dụng cũng tạo áp lực không nhỏ với thị trường. Về nguyên tắc, NHNN có thể trực tiếp bán cho các ngân hàng để hỗ trợ các ngân hàng tất toán, nhưng NHNN đã tổ chức đấu thầu để bảo đảm sự công khai, minh bạch. Tham gia đấu thầu không chỉ có ngân hàng mà còn có cả doanh nghiệp. Số vàng mua được, một phần họ dùng để tất toán hợp đồng cũ, phần khác đưa ra lưu thông. Một nguyên nhân khách quan nữa khiến giá vàng trong nước trở nên "đắt đỏ" là giá thế giới diễn biến quá nhanh, giảm với biên độ lớn, có thời điểm giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây khiến giá vàng trong nước không điều chỉnh kịp, mức chênh lệch bị kéo giãn. Mặc dù khoảng cách vẫn lớn, song trên thị trường không có những cơn sốt, không có hiện tượng đầu cơ, tỷ giá vẫn được duy trì ổn định. Các phiên đấu thầu vàng được tổ chức cũng nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, tránh những xáo trộn, tác động tiêu cực tới tỷ giá. Chênh lệch giá vẫn còn, song do nhu cầu của thị trường quá lớn, NHNN không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, NHNN không thực hiện bình ổn giá, mà chỉ tăng cung để giảm áp lực về cầu.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều phiên đấu thầu để tăng cung cho thị trường, giúp giá vàng gần với giá thế giới. Cụ thể, sáng ngày 3-5, NHNN tổ chức phiên đấu thầu thứ 13. Tổng khối lượng gọi thầu là 26.000 lượng, tương đương 1 tấn vàng, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 42,25 triệu đồng/lượng, tương đương giá mua vào vàng SJC chiều ngày 2-5. Được biết, đến thời điểm này, các ngân hàng đã "gom" đủ 90% số vàng phải tất toán, nên nhà đầu tư có thể hy vọng sự điều chỉnh giảm mạnh của giá vàng trong nước trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ sát với giá vàng thế giới?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.