Khi tham gia mô hình sàn “Đặc sản địa phương”, mỗi tỉnh, thành, địa phương sẽ được thiết lập một gian hàng đặc sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn, trong đó, sẽ tập trung tất cả doanh nghiệp sản xuất và các sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, điều phối, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn TMĐT.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương hôm nay (18-8) cho biết, đang triển khai xây dựng mô hình sàn Đặc sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử.
Mô hình này dựa trên thực tế, việc đưa sản phẩm của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương lên sàn TMĐT còn khiêm tốn và không thực sự mang lại giá trị như mong muốn. Nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing. Cùng đó, chi phí quản lý bán hàng quá cao (từ 25% đến 45%) cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại khi tham gia các sàn TMĐT. Ngoài ra, khó khăn về vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, quá trình vận chuyển sản phẩm từ các địa phương đến tay người tiêu dùng...
Do đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã kết nối các sở, ban, ngành địa phương với các nền tảng TMĐT và các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT để triển khai giải pháp Sàn đặc sản địa phương. Đây là một giải pháp trong Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đầu mối chủ trì.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dự kiến sẽ triển khai mô hình này trên các sàn TMĐT lớn như Tiki, Lazada, Shopee, đồng thời, phối hợp với một số doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp về thiết lập gian hàng, kỹ năng bán hàng. Đó là cách vận hành và phân phối sản phẩm, quy trình đăng sản phẩm, quản lý gian hàng, chăm sóc khách hàng, cách thức đóng gói, giao nhận hàng hóa… nhằm tối ưu chi phí và hiệu quả bán hàng.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ trao đổi với các sàn, các nền tảng TMĐT, các đơn vị dịch vụ vận hành để đưa ra phương án hỗ trợ tối ưu về chi phí và truyền thông cho các doanh nghiệp và sản phẩm địa phương khi tham gia chương trình.
Với những nỗ lực và sự chung tay phối hợp từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và cả các nền tảng TMĐT, giải pháp Sàn đặc sản địa phương hứa hẹn mang lại giá trị thiết thực cho cả doanh nghiệp sản xuất, cũng như người tiêu dùng khi có thể mua các sản phẩm đặc sản địa phương mà không còn giới hạn bởi khoảng cách địa lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.