Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa sản phẩm miền núi “phủ sóng” sàn thương mại điện tử

Lam Giang| 23/11/2022 17:47

(HNMO) - Ngày 23-11 tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử”.

Toàn cảnh tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay: Những năm qua, thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, hiệu quả. Đặc biệt, thương mại điện tử đã trở thành cầu nối giúp bà con có thể phát triển nhanh trong đại dịch Covid-19. Hiệp hội đã cùng các địa phương hỗ trợ cho bà con nông dân, cũng như bà con đồng bào dân tộc mở các gian hàng trên các sàn giao dịch. Việc các sản phẩm nông sản đặc trưng của các vùng miền các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều trên sàn giao dịch thương mại điện tử đã thu hút lượng lớn người tiêu dùng thương mại điện tử.

Nhiều doanh nghiệp đã đưa các sản phẩm hàng Việt, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Cụ thể như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn... được chào bán ở những vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử có uy tín như Alibaba, Vỏ sò, Postmart, Lazada…

Còn ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ được 40 hợp tác xã và doanh nghiệp mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Tỉnh cũng tổ chức hướng dẫn bà con cách xây dựng hình ảnh, tiếp nhận và chốt đơn hàng, cách đóng gói, quy trình vận chuyển hàng đến tay người tiêu dùng và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các sàn thương mại điện tử trong quá trình thực hiện.

Tuy vậy, việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử mới chỉ bắt đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, đối với các hộ sản xuất, kinh doanh hay thậm chí là doanh nghiệp thuộc khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thương mại điện tử vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ. Ngoài ra, hầu hết các hoạt động thương mại điện tử chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, là thách thức nếu muốn phát triển nhanh, mạnh thương mại điện tử ở các vùng sâu vùng xa…

Sản phẩm của đồng bào các dân tộc được bán ngày càng rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử.

Bởi vậy theo ông Nguyễn Bình Minh, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc của nhiều bên, nhất là các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, cần phổ cập về truy xuất nguồn gốc hàng hóa tới bà con nông dân để đáp ứng yêu cầu thị trường, giúp mang sản phẩm đi khắp mọi miền đất nước, cũng như xuất khẩu ra thế giới.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Xuân (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, đòi hỏi của người tiêu dùng với chất lượng, nguồn gốc sản phẩm rất khắt khe, sản phẩm phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phải được các cấp giấy chứng nhận VietGAP và Global GAP. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số, từ đó sẽ mang tới bước nhảy mới trong thời đại chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa sản phẩm miền núi “phủ sóng” sàn thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.