(HNM) - Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ đã chính thức hợp nhất để thành Nhà hát Kịch quốc gia Việt Nam theo quyết định của Bộ VH, TT&DL ký ngày 27-3-2012. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết, hợp nhất là để tạo đà cho nền kịch nghệ nước nhà phát triển hơn.
Một cảnh trong vở “Nhà có 5 anh em trai” của Nhà hát Tuổi trẻ.
- Thưa ông, tại sao lại hợp nhất hai nhà hát đang hoạt động độc lập quá lâu rồi?
- Đây là ý định của Bộ VH, TT&DL. Nước ta chưa có nhà hát kịch quốc gia nào mà chỉ có một số nhà hát nhỏ trực thuộc Bộ, địa phương. Các nước trên thế giới đều có một nhà hát kịch xứng tầm quốc gia. Việt Nam đã tham gia Liên minh Sân khấu Châu Á năm 2011 và thành viên của tổ chức này đều là các nhà hát, trung tâm sân khấu quốc gia, vùng lãnh thổ. Bộ VH, TT&DL đi đến quyết định này cũng nhằm nâng tầm nền kịch nghệ nước nhà, để chúng ta có thể bước ra với thế giới.
- Là người được giao trọng trách, ông đã có kế hoạch tổ chức hoạt động Nhà hát Kịch quốc gia như thế nào để đáp ứng được mục tiêu đó?
- Trên cơ sở lực lượng của hai nhà hát cũ, chúng tôi sẽ xây dựng 3 nhà hát trực thuộc Nhà hát Kịch quốc gia và một trung tâm đào tạo đạo diễn và diễn viên. Mỗi nhà hát sẽ có một chức năng riêng để nghệ sĩ sáng tạo, tuy vẫn hỗ trợ nhau. Nhà hát Kịch sẽ chuyên dựng kịch hàn lâm, Nhà hát Tuổi trẻ là nơi dựng hài kịch và kịch đương đại, còn Nhà hát Nhi đồng sẽ dựng kịch thiếu nhi và ca nhạc tạp kỹ cho các em nhỏ. Trung tâm đào tạo sẽ tổ chức đào tạo hoặc mời các nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên giàu kinh nghiệm để hướng dẫn, chỉ bảo cho các nghệ sĩ mới theo “gu” diễn của từng nhà hát. Chúng tôi sẽ tổ chức đơn vị kiểu như “tổng công ty”. Cách làm này sẽ giữ được nguyên thương hiệu của các nhà hát cũ.
- Nhà hát Tuổi trẻ vốn là đơn vị sân khấu hoạt động sôi nổi hàng đầu phía Bắc, còn Nhà hát Kịch Việt Nam có vẻ trầm lặng hơn. Liệu khi hợp nhất, Nhà hát Tuổi trẻ có phải “gánh” cho đơn vị kia không, thưa ông?
- Sẽ chẳng đơn vị nào phải “gánh” cho đơn vị nào cả. Nhà hát Kịch Việt Nam đang hoạt động rất mạnh, mỗi tháng diễn 15-20 buổi, ngang với Nhà hát Tuổi trẻ. Tuy nhiên có khác là Nhà hát Tuổi trẻ có rạp tốt, khi vở ra công chúng biết đến ngay, xếp hàng đi xem. Còn Nhà hát Kịch thì thiệt thòi hơn. Cho nên, anh em bên này phải đi diễn quanh Hà Nội, rồi các tỉnh. Khán giả cũng đông lắm, tiền bồi dưỡng cho diễn viên hiện nay cao nhất là 600.000 đồng/buổi. Chỉ cần đi diễn 10 buổi một tháng là đời sống của anh em tốt rồi.
Hợp nhất là để nâng tầm, tạo sức mạnh cho nền kịch nghệ nước nhà. Ví như trước Bộ rót kinh phí cho mỗi nhà hát dựng 2 vở một năm. Chúng tôi dựa vào doanh thu để dựng thêm, có năm, Nhà hát Tuổi trẻ dựng cả chục chương trình, Nhà hát Kịch Việt Nam dựng đến 6 vở mới. Khi thành lập Nhà hát Kịch quốc gia, chắc chắn Bộ sẽ đầu tư nhiều hơn, để có được những tác phẩm xứng tầm với các nhà hát kịch trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, Nhà hát Kịch quốc gia còn giữ vai trò là “anh cả đỏ” dẫn dắt các nhà hát, đoàn kịch địa phương.
- Theo ông thì việc thành lập Nhà hát Kịch quốc gia liệu có giúp ích gì trong việc thu hút khán giả đến với sân khấu không?
- Tôi nghĩ, khán giả không bao giờ quay lưng lại với sân khấu. Chỉ có điều, mình dựng kịch có hay hay không, tổ chức phục vụ nhu cầu giải trí của người dân như thế nào. Ở nhiều nước phát triển, đi xem kịch mới là thời thượng, còn nước ta hiện “mốt” là xem ca nhạc. Nhà hát Kịch quốc gia ra đời sẽ tạo thành những sân khấu chuyên nghiệp phục vụ từng đối tượng khán giả. Các nghệ sĩ cũng phải sáng tạo nhiều hơn. Tôi tin sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay để kéo khán giả đến rạp.
- Sân khấu có được đầu tư thêm không khi mà hiện nay chỉ có sân khấu ở Nhà hát Tuổi trẻ là quy mô, thưa ông?
- Chúng tôi đang phấn đấu và xin phép để mỗi nhà hát thuộc Nhà hát Kịch quốc gia sẽ có một sân khấu, trụ sở riêng. Để xây dựng được một rạp hát không phải đơn giản, nhưng tôi sẽ cố gắng xin được đất, xây rạp. Trước mắt, chúng tôi sẽ tranh thủ khai thác cơ sở hiện tại. Ví dụ sân khấu nhỏ như của Nhà hát Kịch cũ có thể chuyển thành điểm chuyên diễn cho thiếu nhi. Các vở của Nhà hát Kịch và Nhà hát Tuổi trẻ thì diễn ở sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ với lịch định kỳ, buổi nào diễn kịch hàn lâm, buổi nào diễn hài kịch.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc cho Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.