(HNM) - Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, nhiều biện pháp chống buôn lậu sẽ được thực hiện thời gian tới.
- Hàng nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại đã được ngành Hải quan chủ trì, phối hợp bắt giữ trong 6 tháng qua, ông có thể chia sẻ thêm về kết quả này?
- Những tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, các kỹ thuật quản lý hiện đại phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Ngành cũng kết hợp đồng bộ giữa phương thức kiểm soát hải quan hiện đại với truyền thống nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...
Kết quả 6 tháng đầu năm, lực lượng kiểm soát hải quan đã xử lý 6.761 vụ vi phạm. Cơ quan hải quan đã khởi tố 20 vụ, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 33 vụ.
- Sắp tới, ngành Hải quan sẽ có biện pháp gì để siết chặt hành vi buôn lậu, gian lận thương mại?
- Bộ Tài chính đã chỉ đạo lực lượng hải quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để chỉ đạo các tỉnh cùng vào cuộc, chia sẻ thông tin chống buôn lậu, gian lận thương mại. Riêng ngành Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đưa công nghệ quản lý như thông qua hệ thống gắn sim định vị theo dõi cả quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, phối hợp với các lực lượng kiểm soát trên đường để ngăn chặn, bắt giữ. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành chức năng và Chính phủ, xem xét lại những nhóm hàng nhạy cảm, không cho phép kinh doanh theo loại hình trung chuyển, bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế, hạn chế tối đa gian lận thương mại.
- Việc siết chặt chống buôn lậu liệu có khiến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trở nên khó khăn, thưa ông?
- Trên tinh thần vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngành Hải quan đã chủ động xây dựng đề án thiết kế chương trình phần mềm quản lý doanh nghiệp, các hãng hàng không kinh doanh kho bãi, vận tải và cơ quan quản lý ở các cảng hàng không quốc tế để bảo đảm kết nối liên thông một cửa quốc gia, kết nối giữa các khâu nghiệp vụ, khâu quản lý của doanh nghiệp, nối với thủ tục hải quan.
Thời gian tới, lượng hành khách và hàng hóa vận tải qua các tuyến hàng không quốc tế của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam rất lớn. Vì vậy, ngành Hải quan đặt mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh. Ngành Hải quan đã chủ động xây dựng hệ thống phần mềm, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi thực hiện theo đúng Điều 41 Luật Hải quan để giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Được biết, ngành Hải quan vừa triển khai đề án giám sát, quản lý hàng hóa qua đường hàng không. Đề án này đóng vai trò thế nào trong hoạt động kiểm soát, chống buôn lậu?
- Thực tế, chúng tôi đã thực hiện chương trình này được 3 tháng, xây dựng các chương trình phần mềm và thử nghiệm, làm việc với doanh nghiệp liên quan. Chúng tôi chọn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để thí điểm, dự kiến sẽ thực hiện kết nối trong tháng 9, sau đó sẽ nhân rộng trong các sân bay quốc tế toàn quốc, dự kiến trong tháng 12.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, họ cần chuẩn bị sẵn sàng việc điều chỉnh hệ thống quản lý kho bãi, hành khách để kết nối với hải quan, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Rất nhiều hãng hàng không, sân bay kho bãi trên thế giới đều đã thực hiện chương trình này.
Khi triển khai đề án, chúng tôi sẽ có thông tin trước về hàng hóa, hành khách, chuyến bay, qua đó có thể đánh giá về đối tượng có độ rủi ro cao. Trên cơ sở thông tin về các đối tượng, trao đổi với các ngành, các nước, cơ quan hải quan sẽ nâng cao hiệu quả, bắt đúng, bắt trúng, hạn chế gian lận thương mại, đặc biệt là hàng cấm, hàng liên quan đến an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.