(HNM) - “Không gian sống hoàn hảo tại vị trí kim cương”, “vườn trong phố”… là những ngôn từ mỹ miều mà các chủ đầu tư (CĐT) dự án đánh vào tâm lý muốn hưởng thụ cuộc sống sang trọng, đẳng cấp của người mua nhà.
Trái đắng khó nuốt
Những người tìm nhà giai đoạn năm 2008-2010 hẳn còn nhớ dự án nổi tiếng thời đó là Sky City 88 Láng Hạ (quận Đống Đa). Dự án được quảng cáo là “tọa lạc tại vị trí vàng” của Thủ đô, rất gần các điểm giải trí, trường học, bệnh viện lớn… với thiết kế sang trọng, đẳng cấp, với giá trung bình từ 4 tỷ đồng đến hơn 6 tỷ đồng/căn hộ.
Tuy nhiên, sau vài năm sinh sống, cư dân mới phát hiện ra những sai phạm của CĐT như xây dựng sai phép, thu hẹp lối ra vào tại cổng chính, giá trông giữ phương tiện quá cao… khiến cuộc sống của họ không như quảng cáo ban đầu.
Tương tự, những tưởng sẽ chỉ việc chuyển đồ đạc về ở căn hộ mơ ước, cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza (Trần Phú - Hà Đông) lập tức thất vọng khi sống trong tòa nhà vẫn còn nhiều hạng mục còn đang hoàn thiện, thang máy không đầy đủ, không kết nối cáp truyền hình... Khi chính quyền sở tại chỉ rõ những sai phạm tại dự án, những cư dân tòa nhà mới ngỡ ngàng nhận ra họ đã quá dễ dãi khi tin tưởng vào những lời mời chào hoa mỹ.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều nhà chung cư (NCC) có chất lượng thực tế khác xa với quảng cáo của CĐT. Chỉ khi sinh sống một thời gian, nhiều cư dân NCC mới phát hiện những bất cập từ không gian thiết kế, hệ thống trang thiết bị, quá trình quản lý vận hành… và cả cách ứng xử, giao tiếp của CĐT cũng như Ban quản lý tòa nhà đều không đạt tới tầm “đẳng cấp” như quảng cáo.
Chấm dứt tình trạng “tự phong”?
Thông tư 31/2016/TT-BXD ra đời nhằm mục đích phân hạng NCC thành nhiều hạng khác nhau để xác định giá trị NCC khi thực hiện việc quản lý hoặc giao dịch trên thị trường. Để được phân hạng và công nhận hạng, NCC phải đạt tối thiểu yêu cầu chung gồm: Xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, theo đúng giấy phép xây dựng; tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng…
Cụ thể, việc phân hạng NCC sẽ căn cứ vào 4 nhóm tiêu chí gồm: Tiêu chí về quy hoạch - kiến trúc; về hệ thống - thiết bị kỹ thuật; dịch vụ - hạ tầng xã hội; chất lượng - quản lý - vận hành. Từ đó sẽ phân hạng NCC theo các số liệu cụ thể về khoảng cách địa lý, mật độ xây dựng, diện tích căn hộ và các tiện ích hỗ trợ sinh hoạt… Sở Xây dựng là cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc công nhận hạng NCC.
Phần lớn những người quan tâm đến loại hình NCC đều khá đồng tình với quy định phân hạng này bởi việc đưa ra những con số cụ thể sẽ bảo đảm giá trị tiện ích thực sự cho cư dân.
Tuy nhiên, những người đã từng sống tại NCC cho biết, Thông tư 31/2016/TT-BXD được ban hành thời điểm này là cần thiết nhưng chưa đủ. Để người dân biết rõ mình đang ở NCC hạng nào thì cần phải công bố công khai dự án, thiết kế, giấy phép xây dựng... để người dân có điều kiện tìm hiểu và quyết định đúng đắn khi chọn mua nhà. Nhưng đây là điều còn thiếu ở rất nhiều dự án.
Người dân cũng băn khoăn là 3/4 tiêu chí phân hạng NCC có thể đo đếm định lượng nhưng riêng tiêu chí về chất lượng - quản lý - vận hành được cho là còn chung chung, khó phân định ở mức “chất lượng cao” và “quản lý chuyên nghiệp” hay chưa? Chất lượng cao theo tiêu chuẩn nào vẫn là vấn đề tranh cãi giữa chủ đầu tư và cư dân ở nhiều NCC...
Dư luận cho rằng, với mục đích phân hạng và công nhận hạng NCC để xác định giá trị của NCC khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường nhưng Thông tư 31/2016/TT-BXD lại yêu cầu việc phân hạng và công nhận hạng đối với NCC đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng là chưa hợp lý. Bởi khi đó, việc phân hạng không có nhiều ý nghĩa đối với các dự án sắp khởi công hoặc đang xây dựng, phục vụ việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc chưa thể kiểm soát được việc quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo tại các dự án như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.