Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ bổ sung quy định để phát triển có kiểm soát các văn phòng công chứng

Hà Phong| 27/11/2020 18:13

(HNMO) - Đang có tình trạng chuyển trụ sở văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng. Đó là thông tin đáng lưu ý tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 27-11.

Quang cảnh họp báo.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đặng Kim Hoa, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên đối với 261 trường hợp, miễn nhiệm công chứng viên đối với 14 trường hợp. Kết quả kiểm tra hoạt động của các văn phòng công chứng và phản ánh của các địa phương cho thấy: Đang có tình trạng chuyển trụ sở văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng. Đồng thời, hiện tượng này dẫn tới không đáp ứng được nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức tại các huyện, các vùng xa trung tâm. Công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng.

Để tránh phát triển “nóng” văn phòng công chứng tập trung tại một nơi, Bộ Tư pháp sẽ bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển có kiểm soát các văn phòng công chứng; ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng gắn với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện, bảo đảm tính khả thi, hoạt động ổn định, bền vững của văn phòng công chứng sau khi được thành lập.

Cũng tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn đã thông tin về kết quả công tác tư pháp từ đầu quý III-2020 đến nay. Trong đó, công tác quản lý hộ tịch có nhiều bứt phá.

Hiện nay, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp đã triển khai áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với hơn 18.000 người dùng, tại hơn 11.000 UBND cấp xã, hơn 700 phòng tư pháp cấp huyện và 63 sở tư pháp trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang dần được hình thành với dữ liệu của 12.139.534 trường hợp đăng ký khai sinh; 2.771.264 trường hợp đăng ký kết hôn; 1.888.522 trường hợp đăng ký khai tử và gần 3.934.664 trường hợp đăng ký các sự kiện hộ tịch khác. 7 địa phương đang triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến thông qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến do Bộ Tư pháp xây dựng. Do thủ tục đăng ký khai sinh online đơn giản, thuận lợi, ngày càng nhiều người dân dùng dịch vụ trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ bổ sung quy định để phát triển có kiểm soát các văn phòng công chứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.