Theo dõi Báo Hànộimới trên

Say sưa với kho tàng văn hóa dân tộc

Thụy Du| 08/01/2023 07:13

(HNM) - Trong bối cảnh sân khấu truyền thống thiếu hụt người viết kịch bản trầm trọng thì làng chèo có một tác giả sung sức là Lê Thế Song. Dù ở tuổi 54, nhưng tác giả Lê Thế Song vẫn được giới nghề coi là "người trẻ" hiếm hoi đắm đuối với chèo. Không chỉ vậy, ông còn say sưa nghiên cứu, khai thác, sáng tạo nhiều tác phẩm mới từ kho tàng văn hóa dân tộc.

Tác giả kịch bản sân khấu truyền thống Lê Thế Song.

Tác giả Lê Thế Song sinh ra và lớn lên ở làng Ngò (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) có chiếu chèo nổi tiếng “Rượu Bèo, chèo Ngò”. Những câu hát, điệu chèo, trò diễn thấm vào ông từ khi còn nhỏ. Ngày càng say mê, lớn lên, ông tập tành sáng tác bài hát cho đội chèo của làng. Sau này, ông kết hôn cùng nghệ sĩ Xuân Hồng, con gái của nhà viết kịch Hoàng Luyện và quyết định đi vào con đường nghệ thuật. Ông cùng bà xã đã có gần 20 năm rong ruổi khắp cả nước thực hiện các dự án truyền thông nghệ thuật gắn với cộng đồng. Do yêu cầu của công việc, ông tham gia viết kịch bản, biên đạo, dàn dựng các chương trình biểu diễn cho người dân địa phương, từ đó cũng thâm nhập văn hóa các vùng đất và tìm hiểu, tích lũy các làn điệu dân ca, di sản văn hóa bản địa.

Đến năm 2011, tác giả Lê Thế Song mới chính thức hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Ông và vợ cùng theo học 4 năm lớp Biên kịch K31, Khoa Kịch hát dân tộc (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Sau đó, cả hai tiếp tục học cao học biên kịch để đi sâu hơn về kỹ năng, phương pháp sáng tác chuyên nghiệp.

Viết kịch bản tiểu phẩm nhiều nhưng kịch bản dài đầu tiên của ông là “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng năm 2015. Từ đó đến nay, ông đã có gần 50 kịch bản chủ yếu ở các loại hình chèo, tuồng, cải lương, ca kịch…, được các đơn vị nghệ thuật trên cả nước dàn dựng và biểu diễn. Có thể kể đến như các tác phẩm: “Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn”, “Chuyện tình trên bến Nam Xang”, “Tình sử Thăng Long”, “Dâu bể một kiếp tằm”, “Tam Khúc chúa”, “Giai điệu Tổ quốc”, “Gò đống mối”, “Cây gậy thần”, “Người mẹ Hà thành”… Trong đó, nhiều vở diễn được dàn dựng từ kịch bản và chuyển thể của ông đã giành được giải thưởng cao tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đặc biệt, trong năm 2022, tác giả Lê Thế Song có nhiều vở diễn được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn và tham gia các liên hoan sân khấu uy tín. Tại Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022, ông có 4 vở diễn thì 2 vở đoạt giải là: “Thiên duyên huyền tích” (Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng) đoạt Huy chương vàng và “Trọn đời vì nước non” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định) đoạt Huy chương bạc. Tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội - 2022, vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam) do ông và nghệ sĩ Xuân Hồng viết kịch bản cũng nhận Huy chương vàng.

Bên cạnh viết kịch bản vở diễn, tác giả Lê Thế Song còn “đắt show” mời tham gia viết kịch bản và tổng đạo diễn các chương trình nghệ thuật, lễ hội có yếu tố văn hóa, truyền thống, như Festival Hoa Đà Lạt 2022, chương trình khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hà Nam, chương trình nghệ thuật “Phú Thượng in dấu chân Người”… Không những thế, ông còn là soạn giả của nhiều bài hát theo các làn điệu truyền thống về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19, được nghệ sĩ nổi tiếng như các Nghệ sĩ nhân dân: Tự Long, Thúy Ngần, Thanh Tuấn, Khắc Tư; các Nghệ sĩ ưu tú: Diệu Hằng, Hoàng Tùng... biểu diễn, lan tỏa tích cực trong thời gian qua.

Say sưa khai thác kho tàng văn hóa dân tộc, từ đề tài dân gian, lịch sử, dã sử đến đề tài hiện đại viết trên chất liệu nghệ thuật truyền thống, tác giả Lê Thế Song cho rằng, vốn cha ông để lại rất quý giá, hấp dẫn, cần được giữ gìn. Tuy nhiên, để những chất liệu ấy phát huy và có đời sống thật sự, người viết kịch bản phải thay đổi tư duy, sử dụng sự am hiểu của mình để chắt lọc những nét tinh hoa truyền thống kết hợp hài hòa với những yếu tố hiện đại, được yêu thích, như công nghệ sân khấu mới, “bắt tay” giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau…

Nhà nghiên cứu sân khấu, nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhận xét, Lê Thế Song là một tác giả kịch hát đẳng cấp, khác biệt và thoát được kiểu viết “cắm ca vào kịch”. Với tình yêu nghệ thuật và sự bền bỉ, tác giả này sẽ còn tiến xa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Say sưa với kho tàng văn hóa dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.