Gốm Bát TràngLàng nghề là một nét văn hoá truyền thống lâu đời trong cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều làng nghề thủ công, mỹ nghệ phát triển không chỉ đã tạo ra những sản phẩm có giá trị, mang lại ngoại tệ cho đất nước, mà còn góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn. Vai trò của nghệ nhân trong các làng nghề rất quan trọng, nhưng việc tôn vinh, xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân thế nào? sau khi tôn vinh người nghệ nhân sẽ được gì? đang còn là vấn đề bức xúc, gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Mục Diễn đàn HNM Điện tử lần này mở ra vấn đề về sự cần thiết của việc tôn vinh, phong tặng này cùng những tiêu chí cũng như những quan điểm khác nhau của những người tham gia diễn đàn quanh việc tôn vinh và phong tặng danh hiệu nghệ nhân hiện nay.
- Tôi cho rằng, Nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống, là tài sản quý giá của Quốc gia. Đã là báu vật thì chúng ta phải gìn giữ, trân trọng. Chính vì vậy việc tôn vinh nghệ nhân, phong tặng danh hiệu cho họ là rất cần thiết. Nhất là bây giờ, khi các làng nghề đang được khuyến khích phát triển và thực tế làng nghề đang đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Mặt khác, như tôi được biết, lớp người nghệ nhân sinh ra từ 1945 đổ về trước có rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, cũng như bí quyết làm nghề, họ đã từng trải qua 2 cuộc Kháng chiến của dân tộc, đóng góp được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cho đất nước. Nhưng đến nay họ vẫn chưa được ai công nhận, trong khi lớp người này tuổi ngày một cao. Nếu họ mất đi mà chúng ta không ghi lại được tên tuổi, chưa tôn vinh được họ, ghi nhận họ trong sự phát triển của lịch sử làng nghề Việt Nam thì đó là một điều ân hận lớn.
Đơn cử như ông Nguyễn Viết Luân, Nguyễn Ngọc Trọng, Nguyễn đức Chỉnh, Nguyễn Văn Quyên… là các tên tuổi nổi tiếng, lâu năm trong Nghề Đúc đồng truyền thống, Nghề Trạm bạc, Mỹ ký, Kim hoàn đều đã qua tuổi 70, lại còn đau yếu, bệnh tật. Có những người lâu năm trong nghề đã ở tuổi 80-90 như nghệ nhân khảm trai sơn mài Nguyễn Văn Tố năm nay đã 96 tuổi, cái tuổi "Gần đất, xa trời" rồi, không còn biết sống được bao lâu? Nếu như chúng ta không kịp phong tặng cho họ thì thật lãng phí, và bản thân những người nghệ nhân cũng thấy tủi thân, thiệt thòi. Lịch sử sẽ không lưu giữ được những tên tuổi xứng đáng, trong khi sự phát triển của làng nghề luôn đồng hành với sự phát triển của lịch sử đất nước…
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá vội vàng lập danh sách thiếu lựa chọn để phong tặng nghệ nhân một cách ồ ạt. Đây phải thực sự là một cuộc "Đãi cát, tìm vàng", chọn lựa nhân tài xứng đáng, được đông đảo người trong nghề thhừa nhận, và ngay bản thân các nghệ nhân cũng cảm thấy vinh dự với danh hiệu mình được phong tặng. Vậy cần đánh giá nghệ nhân theo những tiêu chuẩn nào?
Theo tôi, Nghệ nhân phải là những người đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn và phát triển làng nghề, biết giữ nghề và truyền lại giá trị nghề cho con cháu, góp phần không để nghề truyền thống bị mai một. Nghệ nhân là những người phải có bí quyết riêng được lưu truyền trong dòng họ, và phải là những người có sản phẩm giá trị thực sự của mình, được lưu giữ, trưng bày và được nhiều người thừa nhận. Từ những tiêu chuẩn đánh giá chung cơ bản này, chúng ta có thể tránh được những trường hợp tự ngộ nhận mình là nghệ nhân. Tôi biết, đã có một số trường hợp háo danh, mượn sản phẩm của người khác đem trưng bày, rồi nhờ một số tờ báo lá cải "lăng xê" mình, tự ngộ nhận mình là nghệ nhân, tài giỏi, khiến các nghệ nhân khác chê cười, tạo ra những ấn tượng không tốt trong những làng nghề. Để xét chọn kỹ lưỡng, ngoài những tiêu chuẩn chung, mỗi làng nghề, giới nghề cần có tiêu chí đánh giá riêng trong lĩnh vực của mình, phải để tự các nghệ nhân nhận xét và thừa nhận. Chúng ta phải chịu khó "đãi cát tìm vàng" thì mới có thể tìm được những "báu vật sống" thực sự để tôn vinh!
Nhà nước rất quan tâm tới nghệ nhân và cũng đã tốn khá nhiều tiền của cho việc tạo điều kiện cho nghệ nhân và khuyến khích các làng nghề truyền thống phát triển. Tuy nhiên, việc tìm và phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân đến nay vẫn chưa thật hiệu quả. Trước kia, việc này được giao cho Cục Lâm sản (Bộ NN - PTNT), sau được giao cho Liên minh các HTX Việt Nam. Có những cuộc họp đã đưa ra vấn đề bình xét nghệ nhân, rồi thảo luận nên thưởng cho các cụ 500 ngàn hay 1 triệu đồng/ người với danh hiệu đó. Tôi cho ràng như vậy là không được. Danh hiệu nghệ nhân cao quý lắm chứ! Đó là danh dự và niềm tự hào của mỗi người được phong tặng, không thể quy ra tiền một cách thô thiển như vậy được. Cả nước Nhật chỉ có 47 nghệ nhân được phong tặng trong tất cả mọi ngành nghề, và những nghệ nhân đó rất vinh dự với danh hiệu của mình. Ngoài việc được tôn vinh, đuợc báo chí ca ngợi, họ còn được những đặc ân mà tiền bạc không thể mua được như được nhà vua mời cơm thân mật tại Hoàng Cung, được chăm sóc khi ốm đau… Do vậy, theo tôi, những người phải đủ tiêu chuẩn thực sự mới được công nhận là nghệ nhân, và sau khi tôn vinh họ phải được huởng một chế độ đặc biệt nào đó trong cuộc sống, hành nghề, cũng như chế độ bảo hiểm khi về già, chứ không phải chỉ một chút tiền thưởng kèm theo danh hiệu là xong.
Mặt khác, các sản phẩm làng nghề còn mang tính văn hóa, nghệ thuật cao. Do vậy, khi bình xét, lựa chọn nghệ nhân cần có sự tham gia của Ngành Văn hoá với những người hiểu biết về lịch sử, văn hoá, cũng như kỹ nghệ, mỹ nghệ và sự phát triển làng nghề…
(Quang Anh thực hiện)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.