(HNMO) - Ngày 22-7, Sở NN&PTNT Hà Nội sơ kết công tác sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu dự, chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; dịch bệnh gia súc, gia cầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, tốc độ nhanh và chưa được kiểm soát... song, tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn ổn định, ước tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Nông nghiệp đã hoàn thành công tác gieo cấy và thu hoạch vụ đông và vụ xuân năm 2019; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời… Toàn thành phố xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.
Tuy đạt nhiều kết quả nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến phát triển chăn nuôi lợn; đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp; số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít. Thành phố chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao những kết quả ngành Nông nghiệp đạt được trong 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung sâu sát hơn nữa cho công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; chú ý công tác tái đàn và tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh; kiểm soát giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong phòng, chống thiên tai, thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão; tập trung hoàn thiện các dự án tu bổ, bảo dưỡng đê điều; chuẩn bị và lên phương án "4 tại chỗ"; chủ động vật tư, phương tiện, chú ý tới các điểm đê xung yếu và có nhiều nguy cơ gây sạt lở.
Ngành Nông nghiệp chuẩn bị mọi phương án sản xuất, chuẩn bị cung ứng nông sản cho dịp Tết Nguyên đán; đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.