(HNMO) - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến cuối ngày 30-8, toàn thành phố đã hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 2,38 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí gần 771 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách là gần 614 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa là hơn 157 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ sau một ngày, Hà Nội có thêm hơn 40.000 lượt người dân, người lao động được hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền tăng thêm là 21 tỷ đồng (đến cuối ngày 29-8, Hà Nội có quyết định hỗ trợ cho 2,34 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình với tổng kinh phí gần 750 tỷ đồng).
Cụ thể, về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ cho 1,59 triệu người với kinh phí hơn 330 tỷ đồng. Trong đó, các ngành, địa phương đã đưa chính sách, kinh phí hỗ trợ tới 1,567 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí gần 290 tỷ đồng. Số còn lại đang được các cơ quan chức năng khẩn trương chi trả.
Nhóm có số lượng người được thụ hưởng tăng nhanh là lao động tự do. Tính từ thời gian qua đến cuối ngày 30-8, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ cho gần 86.000 lao động tự do với kinh phí hơn 128 tỷ đồng, tăng gần 6.000 người, gần 8 tỷ đồng so với cuối ngày 29-8. Những địa phương thực hiện tương đối nhanh chính sách hỗ trợ lao động tự do là các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và các huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng.
Về chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã có 26/30 quận, huyện, thị xã có quyết định hỗ trợ cho hơn 8.200 lao động với kinh phí là hơn 33,2 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 người so với ngày trước đó.
Các chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội và nguồn lực cộng đồng đã hỗ trợ cho khoảng 795.000 lượt người, hộ gia đình với tổng số tiền hơn 440 tỷ đồng. Trong số các trường hợp hưởng chính sách đặc thù, có 282.949 đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Ngoài ra, Hà Nội đang triển khai chi hỗ trợ đặc thù với người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động; đồng thời hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên. Đến cuối ngày 30-8, hai nhóm đối tượng này có 254 người lao động và 143 chủ cơ sở được hỗ trợ với số tiền hơn 1,02 tỷ đồng.
Nhìn chung, việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của trung ương cũng như các chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội được các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố triển khai nghiêm túc, khẩn trương. Người dân phấn khởi khi được tiếp cận với các chính sách, nguồn lực hỗ trợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.